Vào khoảng 5h ngày 26/8, lực lượng không quân Ukraine phát hiện 11 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS xuất hiện trên không phận Nga. Chưa đầy 3 giờ đồng hồ sau đó, Ukraine phải đối mặt với một cuộc tấn công quy mô lớn nhất kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, với 127 tên lửa và 109 máy bay không người lái được phóng vào lãnh thổ của họ.
Nga đã sử dụng các máy bay ném bom chiến lược và chiến đấu cơ được điều từ sâu trong lãnh thổ, cùng với các bệ phóng tên lửa đặt gần biên giới để thực hiện các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine.
Trong bối cảnh Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm tấn công bằng tên lửa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, Ukraine phải dựa vào máy bay không người lái tự sản xuất để nhắm vào các sân bay và địa điểm phóng tên lửa của Nga.
Trong vòng một năm qua, Ukraine đã tăng cường đáng kể việc sản xuất máy bay không người lái trong nước, với khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa tới 1.800 km, theo thông tin từ tình báo quân sự Ukraine. Các cuộc tấn công của Ukraine đã khiến Nga phải điều chỉnh chiến lược bảo vệ máy bay của mình, bao gồm việc di chuyển chúng ra khỏi tầm bắn của Ukraine.
Phát ngôn viên Hải quân Ukraine, ông Dmytro Pletenchuk, cho biết vào ngày 13/8 rằng hai trong số năm sân bay của Nga trên bán đảo Crimea, khu vực đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014, đang hoạt động "ở công suất tối thiểu" do các cuộc tấn công liên tục từ phía Ukraine.
Theo ông Peter Layton, cựu sĩ quan Không quân Australia, nếu các cuộc tấn công vào các sân bay này tiếp diễn, Nga có thể phải ngừng sử dụng các cơ sở này.
Một nguồn tin tình báo quân sự am hiểu các hoạt động của Ukraine trong khu vực kiểm soát bởi Nga cho biết Ukraine đã thực hiện ít nhất 5 cuộc tấn công vào các sân bay của Nga trong tháng 8.
Vào ngày 14/8, Ukraine đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất vào Nga từ trước đến nay, sử dụng máy bay không người lái để tấn công 4 sân bay, bao gồm Savasleyka, cách biên giới Ukraine gần 665 km. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn hạ 117 máy bay không người lái và 4 tên lửa chiến thuật. Ukraine không tiết lộ loại thiết bị nào đã được sử dụng trong cuộc tấn công này.
Tuy nhiên, dù Ukraine đã phóng hàng trăm máy bay không người lái nhưng chỉ một số ít đạt được mục tiêu, tấn công vào các máy bay, đường băng, hoặc kho đạn và nhiên liệu của Nga. Chuyên gia Viktor Kevliuk so sánh các cuộc tấn công này với "vết muỗi đốt" nhưng cũng có "kết quả nhất định" dựa trên vũ khí được sử dụng và hậu quả gây ra.
Chuyên gia quốc phòng Andrii Kharuk nhận định, chiến lược tấn công các căn cứ không quân đối phương của Ukraine có vẻ hiệu quả, dù kết quả rất khó đánh giá chính xác do hạn chế của hình ảnh vệ tinh.
Theo ông Kharuk, việc tấn công máy bay khi chúng đang đậu trên mặt đất dễ hơn nhiều so với khi chúng đang bay trong không phận Nga.
Một trong những điểm yếu lớn của máy bay không người lái là tốc độ chậm, khiến đối phương có thể phát hiện trước vài giờ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng vệ. Để đối phó với các cuộc tấn công từ Ukraine, Nga đã triển khai các biện pháp bảo vệ, bao gồm di chuyển máy bay đến các khu vực khác, ngụy trang máy bay, sử dụng lớp che chắn kim loại, và tăng cường phòng không ở các vùng gần Ukraine hơn.
Nga cũng sử dụng chiến thuật dựng lớp che chắn và xây dựng các hầm trú ẩn bằng bê tông để bảo vệ máy bay, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn có khả năng sửa chữa và sản xuất máy bay bằng cách sử dụng các bộ phận từ những máy bay không còn hoạt động.
Ngoài ra, mặc dù Ukraine đã đạt được một số thành công trong việc vô hiệu hóa các sân bay của Nga, Moscow vẫn còn nhiều sân bay khác.
Theo Viktor Kevliuk, cựu sĩ quan quân đội và chuyên gia quốc phòng, Nga hiện đang vận hành 42 sân bay, bao gồm cả các sân bay tại Belarus và bán đảo Crimea, trong đó có 28 sân bay có thể đồn trú các máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu.
Theo thống kê của Military Balance 2024, Nga vẫn còn hơn 1.000 máy bay chiến đấu và nhiều sân bay vẫn nằm ngoài tầm bắn của Ukraine.