Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/4 cho biết quân đội nước này đã chặn hơn 50 máy bay không người lái (UAV) trong đêm, bao gồm 44 chiếc trên khu vực Rostov.Vụ tấn công nhằm vào quận Morozovsk của vùng Rostov, cách thủ phủ Rostov-on-Don khoảng 190 km về phía Tây, Thống đốc Vasily Golubev cho biết.
Ngoài 44 chiếc UAV bị đánh chặn ở Rostov, lực lượng phòng không Nga cũng ngăn chặn UAV của Ukraine trên các khu vực Saratov, Kursk, Belgorod (mỗi nơi một chiếc) và vùng Krasnodar (6 chiếc).
Lãnh đạo vùng Saratov - Roman Busargin, báo cáo rằng thành phố Engels, nơi đặt một căn cứ không quân lớn, đã bị tấn công. Nhưng ông cho biết không có thiệt hại nào được ghi nhận.
Trong tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công bằng UAV nhằm vào các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Mục tiêu được ưu tiên nhắm đến hiện tại là cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga.
Theo The Guardian, một số cơ quan của Ukraine tuyên bố "họ không có lựa chọn nào khác ngoài kế hoạch này" do tiến độ trên chiến trường không đạt kỳ vọng.
Vấn đề này cũng đã được nêu ra trong cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne ở Paris hồi giữa tuần.
Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington "không ủng hộ cũng như không cho phép Ukraine tổ chức các đợt tấn công bên ngoài lãnh thổ quốc gia".
Tuy nhiên, quan chức Pháp cho rằng: "Ukraine đang hành động để tự vệ, vậy nên các cuộc tấn công đó không cần bàn cãi".
Đến nay, phương Tây tiếp tục chia rẽ về việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga và việc liệu các đồng minh có đưa quân đến hỗ trợ Ukraine hay không.
Trong khi một số nước cho rằng Kiev có quyền tập kích vào lãnh thổ Nga để tự vệ, số khác cảnh báo hành động đó có thể khiến xung đột leo thang, vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
Về ý tưởng đưa quân đến Ukraine, phương Tây cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau. Trong khi đa số phản đối kế hoạch này, Pháp và một số nước khác như Estonia không loại trừ khả năng đó.
Theo nguồn tin của Pravda, ý tưởng này đã gây bất hòa giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Nguồn tin của Pravda cho hay, tại cuộc họp của lãnh đạo khoảng 20 quốc gia châu Âu vào cuối tháng 2, một số nhà lãnh đạo tỏ ra gay gắt với ý tưởng đó, đặc biệt là Thủ tướng Scholz. Ông Scholz được cho là đã rất tức giận, cáo buộc ông Macron "cố gắng kéo mọi người vào Thế chiến III" và yêu cầu tạm dừng cuộc thảo luận.
Ông Macron dường như cũng đã chuẩn bị cho tình huống này và nói rằng một lá phiếu của Đức không quyết định được tất cả và ông sẽ tập hợp nhóm nước có chung quan điểm.
P.L(T/h)