Newsweek đưa tin, cuộc tập kích bằng đạn chùm nhằm vào đoàn thiết giáp Nga dường như được Lữ đoàn tấn công riêng biệt số 92 thuộc quân đội Ukraine thực hiện ở mặt trận Donbass. Một máy bay không người lái có trang bị máy quay ảnh nhiệt đã được sử dụng để quay lại cuộc tấn công.
Đòn tập kích tạo ra nhiều vụ nổ nhỏ và ít nhất 2 thiết giáp của Nga đã bị trúng đạn con nhưng không rõ thiệt hại cụ thể mà Nga phải gánh chịu sau vụ tấn công. "Đợt xung kích của quân Nga nhằm vào cứ điểm của Lữ đoàn 92 đã bị chặn đứng. Pháo binh và đạn chùm của Ukraine đã hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, sẽ khó thành công nếu không có hình ảnh được cung cấp từ máy bay không người lái trang bị camera ảnh nhiệt", cựu chiến binh Ukraine cho hay.
Truyền thông Ukraine đưa tin cuộc tấn công này được thực hiện tại một khu vực lân cận làng Andriivka, ở phía Nam thành phố Bakhmut. Nga đã kiểm soát thành phố này kể từ tháng 5/2023 và đang nỗ lực tiến từng bước về tới khu định cư Chasiv Yar ở phía Tây.
Khoảnh khắc đoàn thiết giáp Nga hứng "mưa đạn chùm" của Ukraine. Nguồn: Newsweek
Đạn chùm chứa hàng trăm quả đạn con bên trong. Mỗi quả đạn con được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp, bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ vụn thành nhiều mảnh và bắn ra xung quanh với tốc độ cực cao khi đầu đạn chính phát nổ.
Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải nhiều quả đạn con trên diện tích tương đương vài sân bóng đá, gây sát thương cao. Vì vậy, đạn chùm được đánh giá là vũ khí hiệu quả để chống lại bộ binh, đồng thời cũng có thể gây thiệt hại lớn cho xe tăng, thiết giáp và các khí tài khác.
Tháng 7/2023, Mỹ đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả đạn chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD để sử dụng trong xung đột với Nga. Phía Kiev xác nhận đã được Washington cung cấp Tên lửa Lục quân Chiến thuật (ATACMS) sử dụng đạn chùm, có tầm bắn khoảng 165 km.
Ngay sau khi nhận được đạn chùm, các lực lượng Ukraine đã sử dụng loại vũ khí này trong hàng loạt các đợt phản công trên nhiều mặt trận. Chiến thuật sử dụng đạn chùm trên chiến trường đã thành công khiến quân đội Nga lúng túng và giúp Ukraine giành lại một số khu vực từng bị đối phương chiếm đóng trước đó.
Tuy nhiên, một chỉ huy quân đội Ukraine từng thừa nhận rằng các Nga cũng học hỏi rất nhanh và dường như đã tìm được cách hạn chế thiệt hại do đạn chùm gây ra trên chiến trường. Quân đội Nga đã tiến hành đào các chiến hào sâu hơn 2m và dàn quân ra các khu vực rộng lớn để hạn chế tối đa tổn thất về nhân lực khi bị tập kích bằng đạn chùm.
P.U (Theo Newsweek)