Chiến tuyến kéo dài, áp lực phòng thủ gia tăng
Theo The Guardian, trong tính toán của Ukraine, chiến dịch Kursk nhằm buộc quân Nga phải rút đáng kể lực lượng ở vùng Donbass để bảo vệ tỉnh quê nhà. Nhưng đây rõ ràng là ván cược tiềm ẩn rất nhiều rủi ro của ông Zelensky, khi quân đội Ukraine không đủ nguồn lực để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: vừa tiến công ở Kursk, vừa phòng thủ ở mặt trận tỉnh Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass.
Ông Matthew Savill - Giám đốc khoa học quân sự tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định, rủi ro lớn là nếu các lực lượng của Ukraine cố gắng kiểm soát lãnh thổ Nga trong thời gian dài, về cơ bản họ sẽ kéo dài tiền tuyến của cuộc xung đột và cần tăng cường lực lượng bảo vệ những khu vực này với mức độ tương tự như các mặt trận còn lại.
Truyền thông đưa tin chiến dịch ở Kursk đã khiến Ukraine phải điều động một số lực lượng lớn binh sĩ và khí tài khỏi Donbass. Đây là sự kéo căng đáng kể mặt trận chính này, vốn đã chịu sức ép to lớn trong trong thời gian qua. "Điều này có thể dẫn đến thành quả về ngắn hạn và bất lợi về dài hạn", ông Savill nói.
Trả giá đắt về trang thiết bị và nhân lực
Nhà phân tích quân sự Patrick Bury tại Đại học Bath của Anh nhận định với Business Insider rằng Ukraine đang đưa vào chiến đấu những lữ đoàn tinh nhuệ với các phương tiện tiến của phương Tây, bao gồm cả Lữ đoàn Tấn công đường không 80 từng đảm nhiệm các chiến dịch chủ chốt ở Bakhmut và Kherson.
Kịch bản tồi tệ nhất với Ukraine là Nga sẽ tập trung lực lượng tinh nhuệ ở Kursk với hỏa lực mạnh hơn. Theo ông: "Đó là điều đáng lo ngại. Họ (Ukraine) đang chiếm giữ các vị trí cố định và Nga sẽ làm chúng suy yếu theo thời gian. Cuối cùng, họ sẽ mất một phần đáng kể năng lực và sau đó buộc phải rút lui", ông Bury nhận định.
Theo ông, đối mặt với kịch bản đó, Ukraine có thể rút lui về vị trí được phòng thủ tốt hơn và dù mất đất nhưng vẫn bảo toàn được các lực lượng quan trọng. "Quân bài mặc cả, quyết định cuối cùng mà Ukraine phải đưa ra là họ sẵn sàng chấp nhận tổn thất ở mức độ nào trước các lữ đoàn tinh nhuệ của Nga để giữ bao nhiêu lãnh thổ", chuyên gia Bury nói.
Song, ông Bury vẫn lạc quan rằng Kiev đã đưa ra những dự đoán tương đối sát với thực tế về số lượng quân đội Nga có thể được điều động đến Kursk, và Ukraine đang chơi một canh bạc có tính toán rằng lực lượng đó không đủ để "đè bẹp" họ ở đây.
Để mất thành trì quan trọng ở mặt trận miền Đông
Tách biệt hoàn toàn với tình hình ở Kursk, Nga đang ngày càng áp sát thị trấn Pokrovsk đóng vai trò vô cùng quan trọng với Ukraine ở khu vực Donbass. Chuyên gia chiến tranh Matthew Ford tại Đại học Sussex của Vương quốc Anh, mô tả Pokrovsk là một "chiếc nan hoa trung tâm" cho các tuyến hậu cần của Ukraine. Tiếp cận được Pokrovsk giúp Nga có thể cắt đứt tuyến tiếp tế cho một số đội quân khác nhau của Ukraine.
Trong khi đó, chuyên gia Bury nhận định tốc độ tiến quân của Nga vào Pokrovsk đã tăng lên kể từ chiến dịch Kursk và kế hoạch dàn mỏng lực lượng Nga của Ukraine đã không thành công. Ông suy đoán rằng việc từ bỏ lãnh thổ theo cách này có thể chỉ đơn giản là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Ukraine mà phần lớn trong đó, như cuộc đột kích vào Kursk đã chứng minh, vẫn nằm dưới một bức màn bí mật.
Ông Savill lại cho rằng cuối cùng cùng tình hình phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đưa quân tới Kursk. Ông Putin có thể quyết định đơn giản là "kiềm chế" tình hình ở Kursk khi chỉ triển khai một lực lượng tối thiểu trong khi vẫn đảm bảo tạo ra lợi thế ở Pokrovsk. Trong kịch bản này, Nga sẽ giành được một thành phố quan trọng từ tay Ukraine, đồng thời buộc Kiev phải đưa vào nhiều nguồn lực hơn nữa để bảo vệ vùng đệm của mình ở Kursk.
Mất cơ hội đàm phán hòa bình
Theo nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine, khả năng đàm phán đã được nước này cân nhắc ngay khi Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) mở cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào khu vực Kursk. Ukraine đang tìm cách "bắt đầu đối thoại" với phía Nga và thảo luận về việc trao đổi tù nhân theo nguyên tắc "tất cả vì tất cả". Kiev cũng lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán về an ninh lương thực và hạt nhân ở Ukraine.
Trong khi đó, Nga có động thái cho thấy sẽ từ chối bất kỳ cuộc đối thoại nào với phía Ukraine sau khi nước này tấn công và xâm nhập khu vực biên giới Kursk. Ngày 21/8, Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev và Bộ Ngoại giao Nga đều tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán nào với Ukraine cho đến khi nước này bị đánh bại hoàn toàn.
"Chính quyền Kiev đang tìm kiếm một cái cớ cho cuộc tấn công khủng bố của họ vào khu vực Kursk và đưa ra những lập luận giả tạo, thậm chí còn lố bịch hơn. Họ đang cố gắng che đậy mọi nỗi kinh hoàng mà quân đội Ukraine đang gây ra bằng những lời lẽ khoa trương", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong một cuộc họp báo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng cho biết hành động khiêu khích có vũ trang của Ukraine tại Kursk nhằm mục đích củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Tuy nhiên, ông tuyên bố các cuộc đàm phán với một chính phủ tấn công dân thường là vô nghĩa. Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định Ukraine chắc chắn sẽ nhận được đòn đáp trả thích đáng và mọi mục tiêu mà Nga đặt ra chắc chắn sẽ đạt được.