Forbes đưa tin, mỗi ngày, máy bay chiến đấu của Nga ném tới 100 quả bom lượn KAB trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Những quả bom này có tầm bắn 25 dặm (40km), một số quả nặng tới 3 tấn, là một trong những vũ khí có sức tàn phá ghê gớm nhất trong cuộc xung đột của Nga với Ukraine. Loại vũ khí này cũng đóng vai trò quan trọng đối với những bước tiến của Nga ở miền đông Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine đang chuẩn bị phản công bằng bom lượn của riêng mình. Một đoạn video gần đây do phi hành đoàn vận hành máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 thuộc không quân Ukraine quay lại cho thấy máy bay ném bom Sukhoi Su-24 của Kiev mang theo một nguyên mẫu bom lượn dưới cánh.
Ukraine phát triển bom lượn sản xuất nội địa. Video: MILITARNYI NEWS
Không chỉ ném bom lượn JDAM-ER do Mỹ sản xuất và bom lượn Hammer do Pháp sản xuất, rõ ràng Ukraine còn có ý định trang bị cho máy bay phản lực bom tự sản xuất.
Hồi tháng 6, Chuẩn tướng không quân Ukraine Serhii Holubotsov từng hé lộ rằng lực lượng này đang phát triển một thiết bị lượn và dẫn đường mới để biến bom không dẫn đường của Liên Xô thành vũ khí chính xác. Do đó, chuyến bay thử nghiệm trên Su-24 được nhận định là một bước quan trọng trong quá trình phát triển vũ khí mới.
Quả bom được cho là có GPS dẫn đường trông rất giống một quả Hammer. Có khả năng Ukraine thực sự đã sao chép vũ khí của Pháp. Một cú đẩy nhanh từ một tên lửa nhiên liệu rắn là cách một quả Hammer nặng 550 pound (250 kg) có thể bay xa tới 40 dặm (64km).
Lực lượng không quân Ukraine trước nay hài lòng với tầm bắn và độ chính xác của Hammer nhưng không thỏa mãn với nguồn cung loại bom này. Pháp cam kết chỉ cung cấp 50 quả bom Hammer mỗi tháng - quá ít so với khoảng 3.000 quả bom lượn KAB mà Nga triển khai dọc tiền tuyến hơn 1.000km, ngay cả khi tính đến số lượng bom JDAM-ER mà Ukraine nhận được từ Mỹ.
Theo Forbes, nếu Ukraine có thể tự sản xuất loại bom mới, họ có thể bắt kịp chiến dịch ném bom lượn của Nga. Loại bom mới này sẽ gia nhập danh mục đạn dược sản xuất tại Ukraine, hiện bao gồm tên lửa hành trình Neptune, "máy bay không người lái tên lửa" Palianytsia mới và một loạt máy bay không người lái tấn công một chiều.
Trong quá trình chế tạo đạn dược chính xác của riêng mình, Ukraine tự giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào các đồng minh, thay đổi về năng lực quân sự quan trọng. Sản xuất tại địa phương cũng là một cách để Ukraine lách luật hạn chế của các đồng minh về cách thức và địa điểm lực lượng Ukraine có thể sử dụng đạn dược do nước ngoài sản xuất.
Quan trọng nhất là, Mỹ cấm Ukraine bắn tên lửa đạn đạo chính xác do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu bên trong nước Nga.
Hiện tại loại bom mới vẫn đang được thử nghiệm. Song Lực lượng không quân Ukraine trước đó đã trang bị cho một số chiến đấu cơ bom lượn của Mỹ và Pháp, trong đó có Su-24, Su-27 và Mikoyan MiG-29. Loại bom mới của Ukraine khi thử nghiệm thành công và được sản xuất có thể sẽ được trang bị cho cả 3 chiến đấu cơ trên.