(ĐSPL) - Trong bài viết “Ukraina: Tại Geneva, Matxcơva lật ngửa ván bài”, báo Pháp Le Figaro phân tích diễn biến tình hình Ukraina và ý đồ của Nga.
Theo báo Le Figaro số ra ngày 17/4, tình hình Ukraina ngày càng nẫu nát. Chính quyền Kiev và quân đội Ukraina bị chỉ trích bất lực trong việc tái lập ổn định ở các tỉnh thành miền đông. Quyền tổng thống Turchinov đang làm xiếc đi trên dây. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đến Geneva với "lá bài lật ngửa": Thành lập liên bang Ukraina.
|
Đàm phán Geneva về Ukraina |
Tuy “đơn thương độc mã” tại Geneva, nhưng ông Lavrov lại ở thế mạnh. Trước mặt ông là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, là đại diện của ngành ngoại giao Liên minh Châu Âu Catherine Ashton và Ngoại trưởng lâm thời Ukraina, Andrii Deshchytsia. Trong con mắt Matxcơva, Kiev chỉ “núp sau lưng Washington” để nói chuyện với Nga, còn Liên minh Châu Âu thì chỉ đưa ra những tuyên bố "cho vừa lòng dân".
Nhật báo Le Monde số ra cùng ngày cho rằng Nga khó có thể thôn tính miền đông Ukraina như kịch bản từng áp dụng ở Crimea. Do vậy, giải pháp mà ông Lavrov trình bày với Mỹ, Châu Âu và Ukraina là một lộ trình để thành lập liên bang Ukraina. Mục tiêu sau cùng của Matxcơva là làm suy yếu chính quyền Kiev, phá hoại cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2014. Nếu Ukraina bầu ra một tổng thống được quốc tế công nhận, kế hoạch thành lập Liên bang Á-Âu xung quanh Matxcơva của Tổng thống Putin coi như thất bại.
Ukraina không dễ bị xé lẻ
Trên nhật báo Le Monde, chuyên gia Isabelle Facon thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS) cho rằng Ukraina không dễ bị xé lẻ.
Tác giả bài báo không phủ nhận việc Ukraina đang ngồi trên “một thùng thuốc súng” và nêu lên những rủi ro từ kinh tế đến chính trị. Thừa nhận những lúng túng của chính phủ lâm thời Ukraina, bà Facon vẫn cho rằng “Ukraina không dễ vỡ như người ta lầm tưởng”.
Thứ nhất, Ukraina có thể “hàn gắn” những bất động nội bộ giữa các dân tộc, giữa những cộng đồng nói tiếng Nga với phần còn lại, giữa các phe phái chính trị.
Thứ hai là cho tới nay, trong hàng ngũ những người Ukraina thân Nga, không phải ai cũng muốn sáp nhập vào Liên bang Nga. Có người muốn hướng tới một Liên bang Ukraina, trong khi người khác chỉ muốn các tỉnh ở miền đông được thêm quyền tự trị. Một số khác thì đơn giản là muốn được tiếp tục sử dụng tiếng Nga, hay muốn Kiev bảo đảm là trong một chế độ mới “hậu Yanukovich” những quyền lợi về kinh tế của họ không bị sứt mẻ. Mẫu số chung duy nhất của những người này là họ thận trọng trước một chính quyền nảy sinh từ phong trào phản kháng Maidan.
Tác giả nhấn mạnh rằng đại đa số người dân, dù ở miền đông hay miền nam, đều ý thức rất rõ rằng trước hết họ là người Ukraina. Do vậy, viễn cảnh Ukraina bên bờ nội chiến cho tới thời điểm này hãy còn xa vời.
Thái độ thận trọng của Kiev trước những người chiếm đóng trụ sở chính quyền ở Donetsk, Logansk hay Slaviansk… thể hiện “sự kiềm chế tất yếu”, tuy bị một thành phần công luận Ukraina chỉ trích.
Vẫn theo bà Facon, không có dấu hiệu nào cho thấy Matxcơva muốn Ukraina bị tan rã. Điện Kremlin chỉ muốn chính quyền Kiev trong tương lai vẫn phải chịu ảnh hưởng của Nga, không ngả về Âu-Mỹ và không gia nhập NATO. Matxcơva thừa biết rằng Nga sẽ phải trả giá đắt cả về quân sự lẫn chính trị, nếu lặp lại “kịch bản Crimea” ở đông nam Ukraina.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ukraina-van-bai-lat-ngua-a29717.html