Úc đã bắt giữ một người phụ nữ 50 tuổi ở bang Queensland, với cáo buộc có trách nhiệm trong 7 vụ nhét kim khâu nhọn vào trong quả dâu tây.
Nghi phạm My Ut Trinh. Ảnh: News Corp Australia |
Ngày 11/11, Úc đã bắt giữ nghi phạm nhét kim khâu vào dâu tây gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp và làm người dân phẫn nộ. Đáng chú ý, nghi phạm có tên My Ut Trinh, 50 tuổi, còn gọi là Judy.
Cảnh sát Queensland cho biết sẽ khởi tố bà My Ut Trinh 7 tội danh khác nhau liên quan đến phá hoại hàng hóa, mức án cao nhất dành cho nghi phạm có thể lên đến 10 năm tù nếu tính các tình tiết tăng nặng.
Được biết, bà Trinh đã làm việc trên nông trại Berry Licious/Berry Obsession ở bang Queensland. Theo trang 7News, bà My Ut Trinh từng nói với người khác rằng bà muốn "hủy hoại trang trại" để phản đối việc bị đối xử bất công.
Cảnh sát đã tìm thấy ADN của nghi phạm trong một hộp dâu tây sau hơn 2 tháng điều tra. Nghi phạm sẽ hầu tòa vào hôm nay 12/11 tại thành phố Brisbane.
Tại phiên xử Sơ thẩm Brisbane, Thẩm phán đã phán quyết My Ut Trinh bị tạm giam không được bảo lãnh cho đến khi diễn ra phiên tòa tiếp theo vào cuối tháng này.
Luật sư Michael Cridland đã phủ nhận khả năng bà My Ut Trinh bỏ trốn. "Bà ấy nhận thức được mình đang gây nên cuộc khủng hoảng dâu tây suốt 2 tháng qua nhưng vẫn không thay đổi số điện thoại hay bỏ trốn. Nhiều người khác làm việc ở trang trại này đã rời khỏi đất nước. Bà ấy thì không", Luật sự Cridland cho biết.
"Còn quá sớm để nói liệu bằng chứng pháp y tìm thấy DNA của bà My Ut Trinh trên kim khâu chứng tỏ bà là người gây nên vụ việc". Ông Cridland nghi ngờ có thể có một cái bẫy nào đó khiến bà My Ut Trinh phải chịu tội thay về cuộc khủng hoảng dâu tây này.
Theo thám tử Jon Wacker, cảnh sát Úc bắt đầu mở cuộc điều tra từ tháng 9 sau khi một người dân địa phương ăn phải một quả dâu có kim. Hai người khác ở bang Victoria cũng trình báo sự việc tương tự. Cảnh sát sau đó tìm thấy ADN của bà Judy trong một hộp dâu. Bà Judy dự kiến sẽ ra hầu tòa Brisbane Magistrates vào sáng 1211 (giờ địa phương).
Vụ khủng hoảng dâu tây lan rộng tới sáu bang của Úc với hơn 230 vụ được ghi nhận, liên quan tới 68 thương hiệu. Riêng bang Queensland tiếp nhận báo cáo về 77 vụ phát hiện kim trong dâu tây, với 49 thương hiệu bị ảnh hưởng nhưng 15 vụ trong số này được tin là không có thật. Khoảng 1 triệu hộp dâu đã bị tiêu hủy và nhiều nhà sản xuất phải ngừng hoạt động để tránh thiệt hại.
Sự sợ hãi có tính dây chuyền của người tiêu dùng đã khiến hàng tấn dâu tây bị vứt bỏ hoặc bị lãng phí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành này và sinh kế của nông dân.
Chủ tịch Hiệp hội Người trồng dâu tây phía Tây Úc Jamie Michael từng chia sẻ những bức ảnh các xe tải dâu tây bị vứt bỏ. “Thật đáng hổ thẹn. Ngay lúc này, chúng ta đang trong thời điểm thu hoạch với sản lượng lớn nhất” - ông Michael viết. Giá bán đã giảm 50%-60%, gây ra thiệt hại không hề nhỏ cho ngành trồng dâu tây và người nông dân.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)