(ĐS&PL) Như chúng tôi đã đưa tin ở kỳ trước về những vướng mắc trong việc đền bù và giải phóng dự án nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu thuộc xã Nong Lay, Thuận Châu, Sơn La. Ngày 20/5/2019, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản giao các Sở ban ngành và UBND huyện Thuận Châu kiểm tra tình hình triển khai dự án trên.
Dự án tồn tại nhiều bất cập...?
Theo phản ánh của người dân và tìm hiểu cỉa PV, thì Dự án xây dựng nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu lột dự án mới chỉ có chủ trương trên giấy, có đặc thù về môi trường và vị trí địa lý khá đặc biệt nhưng đã vội vàng triển khai san lấp và thi công. Dự án có liên quan tới đất đai của những người dân tộc thiểu số như Ba Na, Khơ Mú, Thái nhưng việc xác định nguồn gốc đất lại được làm hời hợt, báo cáo cấp trên không trung thực, rõ ràng.
13 hộ dân treo băng rôn đòi doanh nghiệp trả lại đất.
Cấp chủ trương đầu tư “chênh” với dự án cùng loại hình hoạt động chỉ có 10 ngày, trên địa bàn cùng một tỉnh đã có tới 3 nhà máy tương tự đang hoạt động, và nguồn nguyên liệu còn đang chưa đủ?.
Các sở ban ngành liên quan chưa nắm rõ, địa phương còn đang loay hoay dàn xếp về tranh chấp đất đai, chính quyền xã, huyện còn chưa đả thông được tư tưởng người dân, chưa làm rõ được nguồn gốc đất nhưng đất đã được “chủ” giao cho nhà máy trên giấy. Để rồi nhà máy nghiễm nhiên thi công san lấp dẫn tới người dân phải dựng lán để đòi đất.
Tiếp tục làm việc với cán bộ ở cơ sở xã Nong Lay là ông Lò Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã và ông Cà Văn Chướng cán bộ địa chính xã khẳng định: “Việc thu hồi đất của các hộ dân là đúng”.
Hai cán bộ xã này đưa ra cho phóng viên bản đồ quy hoạch các thửa đất của huyện Thuận Châu được áp dụng từ năm 1999 cùng với một danh sách các hộ dân được chia thửa tương ứng với bản đồ này. Theo bản đồ, thửa đất số 153 của ông Lò Văn Tuấn, một trong 13 hộ đang đòi chủ quyền nằm gọn trong sơ đồ khu vực xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, 2 vị cán bộ xã này nhất mực nói rằng, đất của ông Lò Văn Tuấn ở khu vực khác và phương pháp xác đinh của xã dựa vào việc các hộ dân liền kề xác nhận đất của ông Tuấn ở liền kề đất của họ. Khi bị chất vấn vì sao không căn cứ vào bản đồ của Huyện được thực hiện năm 1999, ông Cà Văn Chướng trả lời: “Bản đồ này trên huyện nói không có giá trị không áp dụng nữa”.
Khi phóng viên yêu cầu ông Cà Văn Chướng khoanh tròn vùng đất quy hoạch trên sơ đồ thì vị này lấy lí do là gần trưa rồi phải về nhà ăn cơm cách đó 20km và chiều còn có cuộc làm việc với đoàn UBND tỉnh Sơn La.
Sơ đồ số 126 khu đất của 13 hộ dân bị lấn chiếm.
Để có thông tin khách quan, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Lò Văn Tuấn, nguời đã có sổ đỏ trên mảnh đất đang bị doanh nghiệp mới được cấp chủ trương làm chủ lấn chiếm, ông bức xúc chia sẻ với phóng viên: “Ông Quân (người chiến đất bán cho doanh nghiệp) hiện nay vẫn không hề có động thái đền bù cho chúng tôi”. Ông Tuấn cũng đưa ra sổ đỏ chứng minh ông là chủ sở hữu thửa đất số 153, theo như bản đồ thì nằm trong vùng đất đã được bán cho chủ dự án nhà máy.
Ông Lò Văn Tuấn chỉ tay về phía mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình.
Nhà máy nhiều, nguyên liệu ít
Theo tìm hiểu của phóng viên, Sơn La hiện đang có 3 nhà máy tinh bột sắn. Công suất hoạt động rất lớn, lên tới 800 tấn sản phẩm/24h, ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch tỉnh khẳng định với chúng tôi là nguyên liệu trên địa bàn hiện chưa đủ cung cấp cho các nhà máy sẵn có này. Ông Minh cũng không lý giải được nguyên nhân vì sao nguyên liệu đang thiếu mà lại cấp thêm chủ trương liên tiếp cho 2 nhà máy nữa cũng hoạt động trong lĩnh vực chế biến tinh bột sắn.
Bên cạnh đó, loại hình nhà máy này cần có lượng nước lớn để hoạt động. Trung bình các nhà máy cần 1.250m3 nước để chế biến 300 tấn sắn trong 24h, vậy huyện Thuận Châu chỉ có thể đáp ứng 1.000m3 nước trong 24h cho 400 tấn sắn, vậy công suất và điều kiện đáp ứng là chưa hợp lý, điều này có hệ lụy rất lớn, có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng tới tâm lý, an ninh chính trị trên địa bàn.
Từ thực trạng có nhiều nhà máy chế biến được mở ra hoạt động tại một địa bàn, nguyên liệu đáp ứng cho một dây chuyền nhà máy là rất lớn như vậy đương nhiên nguồn cung từ địa phương sẽ dần cạn, không thể đáp ứng đủ trong một thời gian liên tục, bởi vì nguyên liệu chủ đạo là sắn ở đây là cây nông nghiệp ngắn ngày theo mùa vụ. Điều có thể xảy ra ở đây là sắn sẽ phải nhập từ Lào và Campuchia, mà vùng nguyên liệu sắn ở 2 nước này hiện vô cùng manh mún và chưa có dấu hiệu phát triển.
Đó cũng là câu chuyện thực tế đã và đang xảy ra tại nhiều địa bàn tỉnh có đầu tư quy hoạch không đồng bộ. Cụ thể ở Như Xuân - Thanh Hóa các nhà máy tranh chấp thu mua nguyên liệu của nhau, do các nhà máy ồ ạt mở mà lại quên đi việc chú trọng đầu tư và phát triển nguyên liệu.
Theo Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương và Hiệp hội Sắn Việt Nam thống kê hiện nay cả nước đang thiếu nguyên liệu sắn trầm trọng. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao tỉnh lại cấp phép xây dựng thêm nhiều nhà máy?
Câu hỏi này chúng tôi xin dành cho Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La và các cơ quan hữu trách của tỉnh Sơn La đã thực hiện việc cấp phép cho dự án còn tồn tại nhiều vấn đề này?.
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La.
Trước hàng loạt bất cập của dự án Nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu nêu trên, gây bức xúc cho dư luận, ngày 20/5/2019, thực hiện ý kiến của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản 1652/UBND-NC gửi các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và UNND huyện Thuận Châu về việc kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu. Văn bản cũng đã xác định các Sở ngành và địa phương có liên quan báo cáo kết quả kiểm tra dự án với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 23/5/2019.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin đến bạn đọc.
Nông Ly/ Sức Khỏe 365