Ít người biết rằng, trước khi trở thành Chủ tịch tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh buôn điện thoại từ khi còn là sinh viên Đại học Luật Hà Nội.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịp tập đoàn FLC Ảnh:vietnamfinance.vn |
Trịnh Văn Quyết tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội vào năm 1999. Trong hồi tưởng của bạn học cùng lứa, ông Trịnh Văn Quyết được mô tả là một sinh viên năng động, là người đã “biết buôn bán điện thoại ngay khi bạn bè khác chỉ biết đến học hành”.
Cậu sinh viên trường Luật không bắt đầu ngay với nghiệp buôn bán mà khởi sự với công việc gia sư, rồi văn phòng gia sư. Tích cóp được chút vốn, cậu gia nhập ngành kinh doanh điện thoại di động cũ lúc đó chưa phát triển mạnh.
cậu sinh viên trường Luật cũng chọn cách buôn điện thoại cũ chẳng giống ai. Thay vì mở cửa hàng, cậu chọn cách đăng rao vặt trên báo – điều rất hiếm người làm lúc đó. Hiệu quả của quảng cáo thời điểm đó rất lớn, giúp cậu sinh viên này bán được khá nhiều điện thoại di động cũ, quay vòng vốn nhanh. Khi ấy, chủ một cửa hàng điện thoại di động lớn trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội) cũng không hiểu nổi vì sao mà một cậu thanh niên có thể đến và mua sạch điện thoại di động trong cửa hàng của mình.
Ngoài buôn điện thoại di động cũ, cậu sinh viên này còn bán thêm cả một số mặt hàng gia dụng như đồ gỗ, tivi…
Ra trường, Quyết mở công ty tư vấn đầu tư, rồi văn phòng luật sư và đình đám với một số vụ kiện như Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu USD tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên và Techcombank tranh chấp với một nhóm khách hàng năm 2005… Thế nhưng, kinh doanh phòng công chứng mới là một ví dụ điển hình khác về tư duy đón đầu nhu cầu của Trịnh Văn Quyết.
Trước khi Luật Công chứng có hiệu lực, Quyết thuê một văn phòng lớn ở phố Hoàng Ngân, Trung Hòa (Hà Nội). Hầu hết diện tích để trống, chỉ có vài nhân viên ngồi làm việc để “chờ thời” với giá thuê lên tới vài chục triệu đồng/tháng nhưng Quyết vẫn “nghiến răng” chờ đợi. Tháng 7/2008, Phòng công chứng Hà Nội của Trịnh Văn Quyết trở thành văn phòng công chứng tư có giấy phép số 01 tại thủ đô và cũng khai trương đầu tiên.
Mối duyên của Trịnh Văn Quyết với bất động sản đến từ những dự án gây nghi ngại. FLC Landmark Tower khởi công vào năm 2008 trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội), khu vực khi ấy chỉ là một vùng đất trũng, đầy cỏ dại, ở nơi ngoại ô phát triển kém của thủ đô. Còn FLC Sầm Sơn xây trên một bãi trống dọc bờ biển, sình lầy dày sâu tới 13m, tại một trong những tỉnh có tiếng xấu về chặt chém khách du lịch vào mùa hè.
Ở Sầm Sơn FLC cũng gặp rất nhiều trong khó khăn để thực hiện ông Quyết vẫn nuôi ước mơ và kiên trì với dự án phải mất 5 tháng và 1.000 tỷ đồng để đổ cát san lấp mặt bằng cho diện tích 200 ha xây dựng. Sau đó, công ty này hoàn thành một khu tổ hợp sân golf, khu nghỉ dưỡng 5 sao chỉ trong 9 tháng tiếp theo với 2 kỷ lục: “Resort có bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam” và “Resort có nhiều bể bơi nhất Việt Nam”.
Kể từ đó, FLC đã và đang phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam với hàng loạt dự án lớn nhỏ trải dài khắp nhiều địa phương. Khởi điểm ban đầu, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC có vốn điều lệ ban đầu là 18 tỷ đồng, đến nay vốn điều lệ của Công ty đã được tăng lên là 3.148 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là quản lý, tư vấn và kinh doanh các dự án bất động sản. Công ty hiện đang đầu tư xây dựng một số dự án bất động sản lớn như FLC Golfnet, Mandola - Vĩnh Phúc, FLC Landmark Tower, Green City - Vĩnh Phúc.
Mới đây, đầu tháng 10/2017, Chủ tịch FLC cũng đã thực hiện nâng sở hữu lên mức 24,32% vốn điều lệ bằng việc mua vào thêm 11 triệu cổ phiếu FLC. Đặc biệt, trong đại hội cổ đông bất thường năm 2017 của FLC tổ chức hồi tháng 10, đại hội đã thông qua việc cổ đông lớn là ông Trịnh Văn Quyết được phép nâng sở hữu lên mức trên 25% vốn điều lệ mà không cần chào mua công khai.
Kiều Trang (T/h)