Nhiều tài phiệt Nga có chung con đường ngắn nhất để kiếm tiền tỷ một cách nhanh chóng, khá dễ dàng, đó là nhờ các phi vụ mua bán, thâu tóm tài sản nhà nước bán rẻ mà nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng "chào thua".
Túi tiền “khủng” và sức mạnh của tài phiệt Nga
Đầu tháng 10/2014 vừa qua, cựu tỷ phú Mikhail Khodorkovsky một lần nữa thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên tờ WSJ, cựu trùm dầu mỏ cho biết ông sẽ thúc đẩy một hội nghị về hiến pháp hướng vào việc phân tán quyền lực của tổng thống Nga sang bên lập pháp và tư pháp.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, đây là lần thứ hai người từng giàu nhất nước Nga có phát biểu hướng mũi dùi trực diện tới Tổng thống Nga Putin. Hồi cuối tháng 9, cựu tỷ phú 52 tuổi này đã công khai ý định muốn dẫn dắt nước Nga, cho dù trước đó đã từng tuyên bố không dính dáng tới chính trị khi được ông Putin ân xá vào cuối năm 2013.
Mua tài sản nhà nước - con đường ngắn nhất để trở thành tỷ phú của các tài phiệt Nga. |
Những tuyên bố mang tính chính trị của Khodorkovsky rất được quan tâm, bởi chính tham vọng chính trị đã từng khiến nhà tài phiệt này lao đao với 10 năm ngồi tù và hiện vẫn sống lưu vong ở nước ngoài.
Trước khi bị bắt, Forbes đánh giá Khodorkovsky có khoảng 15 tỷ USD. Sau khi ra tù, cựu tài phiệt này đã mất phần lớn tài sản nhưng vẫn giàu có với cuộc sống sa hoa không kém so với trước.
Trái với Khodorkovsky, nhiều tỷ phú trong nước khác lại sẵn sàng hy sinh hoặc xa rời quyền lực chính trị để đảm bảo sức mạnh tài sản. Nửa cuối năm ngoái, hàng loạt nghị sĩ và quan chức nằm trong danh sách 200 người giàu nhất nước Nga đã đệ đơn từ chức, hy sinh quyền lực chính trị để bảo vệ tài sản của mình, tránh đạo luật chống tham nhũng do ông Putin đề ra. Tỷ phú nổi tiếng Roman Abramovich đầu năm ngoái cũng tự nguyện từ chức lãnh đạo khu tự trị Chukotka.
Các tỷ phú khác đang ra sức bảo vệ khối tài sản khổng lồ kiếm được trong hơn một thập kỷ trước đó. Ông trùm khai thác thép và kim loại giàu nhất nước Nga và đứng thứ 40 trên thế giới, Alisher Usmanov, chứng kiến tài sản gia tăng trở lại thêm gần 200 triệu USD, lên 17,7 tỷ USD sau khi đã mất 2,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.
Tính tới 22/10, Nga có 11 tỷ phú với tài sản trên 10 tỷ USD. |
Tỷ phú kiếm tiền từ ngành thép, đường sắt và giao vận Vladimir Lisin cũng đã mất khoảng 2,6 tỷ USD, xuống còn 12,3 tỷ USD. Andrey Melnichenko - ông trùm ngành tài chính Nga - vẫn duy trì được túi tiền gần 9 tỷ USD, sau khi đã mất khoảng 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.
Theo Forbes, nhiều tài phiệt Nga khác sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD như Roman Abramovich (9,5 tỷ USD), Mikhail Fridman (15,7 tỷ USD), Viktor Vekselberg (15,6 tỷ USD), Vladimir Potanin (14 tỷ USD), Leonid Mikhelson (13,9 tỷ USD), Gennady Timchenko (13,6 tỷ USD), Vagit Alekperov (12,2 tỷ USD), Mikhail Prokhorov (9,9 tỷ USD)...
Tính tới 22/10, tổng cộng Nga có 11 tỷ phú có tài sản trên 10 tỷ USD và có thêm 12 tỷ phú có tài sản trên 5 tỷ USD.
Giàu nhanh vì đâu?
Không giống như ở nhiều nước khác, quá trình làm giàu của phần lớn các nhà tài phiệt Nga có liên quan tới quá trình tư nhân hóa của nền kinh tế nước này dưới thời Boris Yeltsin.
Rất nhiều tỷ phú USD đã gây dựng khối tài sản khổng lồ của mình nhờ vào các thương vụ cổ phần hóa các DNNN với giá mua rẻ mạt.
Khodorkovsky xuất thân từ một gia đình bình dân nhưng đã phất lên nhanh chóng nhờ mở ngân hàng Menatep và từ đó có tiền để mua cổ phần DNNN với giá rất rẻ. Khodorkovsky đã mua công ty lớn nhất nước Nga Yukos với giá thanh lý vài trăm triệu USD trong khi giá thị trường trước đó lên tới nhiều tỷ USD. DN này sau đó đã trở thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ cho ông trùm dầu mỏ một thời.
Giữa tháng 9 vừa qua, Nga bắt giữ ông Vladimir Yevtushenkov, chủ tịch Sistema Group, một trong những tập đoàn lớn nhất nước này với cáo buộc liên quan đến việc tư nhân hóa công ty dầu lửa Bashneft.
Ngay lập tức, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc họp trấn an các nhà đầu tư với tuyên bố cho rằng: Sẽ không có việc rà soát toàn diện về các kết quả tư nhân hóa trong quá khứ, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Sự việc trên cho thấy một thực tế: Không ít các tài phiệt Nga giàu lên một cách nhanh chóng và lọt vào tốp những tỷ phú giàu nhất trên thế giới là nhờ vào việc 'hốt' tài sản nhà nước giá rẻ.
Các tỷ phú hàng đầu của Nga hầu hết đều liên quan tới các vụ mua bán DNNN, ở vào thời điểm nước Nga đang chuyển đổi, giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phần tại các DNNN.
Tỷ phú giàu nhất nước Nga Usmanov khởi nghiệp từ kinh doanh túi nilon nhưng thực sự phất sau khi trở thành cổ đông chính tại Metalloinvest - hãng sản xuất quặng kim loại lớn nhất Nga và thứ năm thế giới.
Tỷ phú Mikhail Fridman sở hữu phần lớn cổ phần trong hãng khai thác dầu mỏ TNK-BP; Leonid Mikhelson mua hơn 50\% cổ phần trong công ty hóa dầu Sibur; Vladimir Lisin là cổ đông lớn tại hãng thép hàng đầu Nga Novolipetsk...
Quá trình làm giàu siêu tốc của nhiều tài phiệt khá rõ ràng. Đó là một phần của lịch sử khó thay đổi và lực lượng này đang có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế, tới xã hội nước Nga. Tuy nhiên, sự mất vốn, sự mất công bằng và một nền kinh tế kém đa dạng có lẽ là hậu quả khó khắc phục.