Thích hoành tráng, sĩ diện, khoe khoang, tự ti trước các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, ghen ăn tức ở, cạnh tranh không lành mạnh... là tính xấu của doanh nghiệp?
Tại diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày doanh nhân Việt Nam, lẽ thường vào dịp này sẽ có những lời ca ngợi, tung hô, nhưng nhiều diễn giả đã mạnh dạn đưa ra những “tật xấu” của doanh nhân Việt Nam.
Mở đầu, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn cho rằng: Bản thân các doanh nhân vẫn chỉ có tầm nhìn “lũy tre làng”, cò con, chưa có tầm nhìn quốc tế.
Từ đó, chúng ta vấp phải hiện tượng tự ti đối với bên ngoài, hoặc quá tôn thờ bên ngoài. Đồng thời có hiện tượng không chịu học hỏi bên ngoài. “Khi nói tới hội nhập chúng ta đang lúng túng xử lý quan hệ này” – nguyên Phó Thủ tướng nói.
Ông Vũ Khoan cũng phải thốt lên rằng, không hiểu sao sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam lại khó đến thế. Và ông Vũ Khoan nhớ lại, khi còn làm ở Bộ Thương mại và sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông luôn cố gắng tạo sự gắn kết giữa các doanh nhân, địa phương nhưng rất khó. “Không biết có phải chúng ta có nhiều người giỏi mà khó gắn kết với nhau đến thế?- ông đặt câu hỏi.
Một điểm yếu nữa của doanh nhân Việt Nam được ông Vũ Khoan nhắc tới là “chữ tín chưa được doanh nghiệp, doanh nhân đặt cao”. Có lẽ, theo ông Khoan, là do tuyền thống sản xuất nhỏ, không trọng thương thành ra chữ tín không thực sự được coi trọng. Ông lấy một dẫn chứng rất đỗi đời thường: “Khi chúng ta vui vẻ nhậu nhẹt thì hay hẹn nhau hôm nào làm cái nọ, cái kia với nhau đi. Hôm nào, tôi dịch sang Tiếng Anh là “never”, nghĩa là không bao giờ”.
Ông Vũ Khoan chia sẻ: “Tâm tư của tôi rất nặng nề, chia sẻ, mong đợi ở DN rất nhiều. Chúng ta sắp kết thúc Chiến lược 10 năm để đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại. Chúng ta đi sắp hết chặng đường rồi mà chưa có gì “ra hồn” cả. Luyện kim, cơ khí thì thất bại, đóng tàu thì đi đâu rồi. Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô thì hoành tráng mà không thấy đâu? Công nghệ cao thì toàn Samsung, Nokia… nắm giữ mà không thấy bóng dáng doanh nghiệp Việt Nam.
“Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi mong rằng vài năm tới, các bạn chung sức vào để tạo bước đột phá cho Việt Nam” – ông Vũ Khoan nói trước hàng trăm doanh nhân.
Cũng liên quan đến chủ đề này, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng: 10-20 năm trước, cộng đồng DN của chúng ta phát triển có gì đó hơi dễ dãi, tự phát và dựa nhiều vào các quan hệ. Đến giai đoạn kế tiếp, thách thức lớn, biết bao nhiêu hiệp định thương mại tự do và doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.
Chặng đường trước đây và chặng đường kế tiếp vô cùng khác biệt. Chính vì thế, các doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta phải có cách nghĩ rất khác biệt thì mới có cơ hội để bứt phá được.
Cũng theo ông Phạm Đình Đoàn, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, doanh nhân Việt Nam có nhiều “tính xấu” phải sửa. Đó là: Không có uy tín, hay thay đổi, quá kiên trì vào một lĩnh vực, thích hoành tráng, sĩ diện, khoe khoang, làm quá nhiều cái vượt khả năng của ta; hay chúng ta cũng rất tự ti trước các doanh nhân, tập đoàn nước ngoài, nể nang xen kẽ tình cảm; ghen ăn tức ở, cạnh tranh không lành mạnh. “Tất cả những điểm này nếu không có chỉnh sửa thì rất khó bứt phá được” – ông Phạm Đình Đoàn khẳng định.
Nhiều chính sách xa rời thực tế
Theo đánh giá của ông Phạm Đình Đoàn, hiện nay các Hiệp hội Doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động không hiệu quả. Nếu các Hiệp hội này không đưa được tiếng nói, giải pháp, kiến nghị cụ thể thì không thể giúp Đảng, Nhà nước để sau đó Đảng, Nhà nước giúp ngược lại cộng đồng doanh nhân.
Ở khía cạnh khác, theo ông Đoàn, khó khăn nhất của vấn đề thực thi chính sách và làm ra chính sách không sát thực tế, là vì các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước rất ít doanh nhân tham gia vào bộ máy. Vì những người không từng trải, va vấp với các hoạt động sản xuất kinh doanh thì khó giải quyết vấn đề.
“Chúng tôi đã có nhiều cuộc làm việc, đối thoại với các cơ quan Đảng, Nhà nước nhưng thực sự là có người hiểu, có người không hiểu. Hoặc có những chính sách Đảng, Nhà nước đưa ra lại chưa sát với mong muốn của doanh nhân” – ông Đoàn nêu thực tế.
Bây giờ vẫn có những doanh nhân xin dự án ở thành phố lớn phải mất 5-7 năm mới được, đặc biệt là về đất đai. Nếu hội nhập như vậy thì doanh nhân của chúng ta tuột cơ hội trước. Chúng ta cần nhiều người tài, chúng ta muốn phát triển được thì phải trọng dụng người tài. Người tài ấy có thể trong Đảng, ngoài Đảng, là tư nhân, là Nhà nước nhưng miễn là yêu nước, có tinh thần dân tộc và có khả năng đưa ra những sáng kiến, giải pháp giúp cộng đồng doanh nhân phát triển được.
Theo ông Đoàn, “Nếu những người làm chính sách quay trở lại làm doanh nhân như chúng tôi thì chắc chắn không thể làm được, rất vất vả, thậm chí phải “vật lộn” với chính sách”.
Cách làm chính sách như hiện nay, theo ông Đoàn, vẫn chỉ là giật gấu vá vai, chỉnh sửa, vá víu chứ không thể hội nhập được.
“Phú Thái đã liên doanh với nhiều tập đoàn nước ngoài nên chúng tôi hiểu rõ rằng, khi đang ở mức 2 sao thì phải nâng lên mức 3-4 sao để tiếp cận với 5 sao của thế giới. Còn bây giờ, nếu DN cứ ở bục này thì đến một lúc nào đấy, tất cả chúng ta chỉ là những DN làm thuê, phục vụ cho các tập đoàn lớn của nước ngoài” – ông Đoàn nói.