(ĐSPL) - Tài sản của Jack Ma, ông chủ Alibaba, người giàu thứ hai Trung Quốc giảm 659 triệu USD (khoảng 14.000 tỷ đồng) xuống còn 22 tỷ USD, do cổ phiếu của Alibaba “bốc hơi” 2,9\%.
“Đại địa chấn” của thị trường chứng khoán Trung Quốc diễn ra từ cuối tháng 6 tới đầu tháng 7 đã khiến vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết “bay” mất 38\%, tương đương 3.200 tỷ USD. Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc, đà lao dốc tạm được chặn đứng.
Thế nhưng tới phiên giao dịch ngày 27/7, chứng khoán Trung Quốc lập kỷ lục lao dốc mới. Chỉ số Shanghai Composite giảm 8,5\%, đóng cửa ở mức 3.725,56 điểm, đánh dấu mức giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 2/2007.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc khiến khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú Trung Quốc hao hụt đáng kể. Sau khi mất 775 triệu USD, ông Wang Jianlin, người giàu nhất Trung Quốc “chỉ” còn 33,6 tỷ USD. Ma Huateng, ông chủ của “người khổng lồ công nghệ” Tencent mất 945 triệu USD. Ông Liu Qiangdong mất 693 triệu USD.
Shanghai Composite giảm sâu không chỉ ảnh hưởng tới túi tiền của các tỷ phú ở Trung Quốc mà còn khiến các tỷ phú ở Mỹ lao đao. Shanghai Composite khiến chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ. Kết quả là giá nhiều “cổ phiếu đại gia” lao dốc.
Cổ phiếu Facebook giảm 2,9\%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 1, đè nặng lên nhóm cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu của Apple giảm 1,4\% sau khi có tuần tệ nhất trong 6 tháng. Cổ phiếu của Baidu – cỗ máy tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc – cũng giảm tới 4,2\%.
Trong khi cổ phiếu của Alibaba, một công ty Trung Quốc được quan tâm nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng “bốc hơi” 2,9\%. Điều đó có nghĩa tài sản của Jack Ma, ông chủ Alibaba, người giàu thứ hai Trung Quốc giảm 659 triệu USD xuống còn 22 tỷ USD.
Giải thích cho việc chứng khoán Mỹ “vạ lây” chứng khoán Trung Quốc, ông Matt Maley, chiến lược gia đến từ Miller Tabak, tình hình ở Trung Quốc đang gây nên nhiều lo lắng, đặc biệt là đối với các công ty đa quốc gia có một phần không nhỏ doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. Bức tranh lợi nhuận bắt đầu “xuất hiện những vết nứt”, do đó nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn.
Tài sản của Jack Ma, ông chủ Alibaba, người giàu thứ hai Trung Quốc giảm 659 triệu USD (khoảng 14.000 tỷ đồng) xuống còn 22 tỷ USD, do cổ phiếu của Alibaba “bốc hơi” 2,9\%. |
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn
Tin tức trên báo VOV, trong khi nhiều nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc, các thị trường Châu Á khác, trong đó có Việt Nam, sẽ trở thành điểm đến mới của nhà đầu tư quốc tế.
Theo ông Eric Mustin, Phó chủ tịch của WallachBeth Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt sau khi Trung Quốc đang trên đà tụt dốc. Ông Eric Mustin cho hay, rất nhiều nhà đầu tư lớn đang dành sự quan tâm đặc biệt tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
CNBC cho biết, bản thân Phó chủ tịch của WallachBeth Capital đã chú ý đến Việt Nam từ cách đây 1 năm khi thị trường này ngày càng phát triển và trở thành một thị trường mới nổi hứa hẹn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Gần đây nhất, Việt Nam càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế khi bỏ quy định giới hạn sở hữu cổ phần nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Eric Mustin nhận định, sự thay đổi này sẽ thúc đẩy dòng vốn của cả những nhà đầu tư trong nước.
Ông Eric Mustin nhấn mạnh, thị trường Việt Nam có một ưu điểm là không có nhiều mối liên hệ với chỉ số S&P hay chứng khoán Mỹ. Đây là điểm đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư chỉ tập trung cho thị trường quốc tế và mới nổi.
Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị, nhà đầu tư muốn tham gia thị trường Việt Nam có thể mua quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM). Tính từ đầu năm đến nay, quỹ VNM hoạt động tốt hơn nhiều so với các quỹ ETF tập trung vào Trung Quốc là FXI và ASHR.
Bà Erin Gibbs, Giám đốc đầu tư chứng khoán của S&P Capital cho rằng, thị trường Việt Nam đang dần trở thành một thị trường mới nổi thực sự theo những tiêu chuẩn của S&P Dow Jones Indices.
“Việt Nam là một trong những thị trường sơ khai mạnh nhất, và rất dễ trở thành thị trường mới nổi”, bà Gibbs phát biểu trên chương trình “Trading Nation” của kênh CNBC.
Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư chứng khoán của S&P Capital cũng lưu ý, thị trường chứng khoán Việt Nam không phải hoàn toàn thích hợp cho tất cả mọi nhà đầu tư. Theo bà, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến ổn định lạm phát và nâng tỷ lệ GDP bình quân đầu người.
Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi toàn cầu Win Thin của Brown Brothers Harriman cho rằng, nhà đầu tư muốn đợi cuộc khủng hoảng Hy Lạp ổn định trở lại và tình trạng bán tháo tại chứng khoán Trung Quốc chấm dứt mới quay sang những thị trường mới nổi như Việt Nam. Ông Win Thin nhận định, thị trường Việt Nam còn quá nhỏ so với nhà đầu tư quốc tế, và vẫn xếp sau quốc gia khác trong khu vực là Thái Lan.
An Nhiên (Tổng hợp)
[mecloud]rpCp6SlshI[/mecloud]