Tạp chí Người Đưa Tin cho hay, theo báo cáo Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội", có một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỉ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.
Chiều 25/5, tham gia giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ rằng bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43 là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị…
Với vai trò là thành viên Chính phủ đã chứng kiến sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên để cố gắng thực hiện các chương trình, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Theo bà Hồng, sau khi có Nghị quyết 43, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương.
Lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết đây là một trong những chương trình của Nghị quyết 43.
“Ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn”, bà Hồng nêu.
Thống đốc cho biết, vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách Nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ.
“Vì vậy, việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Thống đống NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ tâm đắc đối với ý kiến của một số ĐBQH cho rằng, trong bối cảnh phức tạp chưa có tiền lệ, các chính sách hỗ trợ có thể chưa sát với thực tiễn là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng là rút ra được kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ cho DN và người dân như thế nào để cho đơn giản, để tiền NSNN hỗ trợ đến được thật nhanh với DN và người dân.
“NHNN thấy rằng, chương trình này không phải là vì được hỗ trợ lãi suất 2% DN mới quyết định để vay vốn. Điều quan trọng khi DN quyết định đi vay để làm gì và có khả năng trả nợ hay không, lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, cho nên có thể cân nhắc những giải pháp như thuế hoặc chính sách khác”, bà Hồng giải thích thêm.
Thống đốc NHNN cũng cho biết, Chương trình hỗ trợ lãi suất cho DN có quy mô 40.000 tỷ đồng và tỷ lệ giải ngân đạt 3,5% đã kết thúc từ ngày 31/12/2023. Tại Báo cáo số 186, Chính phủ đã báo cáo trình Quốc hội để hủy dự toán và không huy động nguồn lực cũng như không làm tăng bội chi ngân sách cho số vốn này. Trong trường hợp vẫn tiếp tục huy động nguồn này sẽ có thể tạo dư địa cho ngân sách trong các chương trình hỗ trợ khác, như việc có thể chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội để phục vụ cho các mục tiêu hỗ trợ khác, báo VOV thông tin.