+Aa-
    Zalo

    Tuýt còi” hàng loạt công ty hoạt động xuất khẩu lao động trái phép tại Hà Tĩnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều công ty tại Hà Tĩnh không có giấy phép hoạt động XKLĐ, giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng hoạt động trái phép.

    Rất nhiều công ty tại Hà Tĩnh không có giấy phép hoạt động XKLĐ, giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức cung ứng lao động trái phép.

    Danh sách 21 đơn vị được tổ chức hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

    Sáng 30/10, thông tin từ sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh (LĐ- TB&XH), đơn vị vừa phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, rà soát hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng XKLĐ trên địa bàn. Kết quả là phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân không có giấy phép hoạt động XKLĐ, giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp nhận hồ sơ đăng ký XKLĐ, tổ chức cung ứng lao động trái phép.

    Cụ thể, có 6 công ty vi phạm gồm: Công ty TNHH nhân lực Toàn Cầu HT; công ty TNHH Hợp tác Quốc tế VICTORY (xã Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh); công ty phát triển nhân lực quốc tế ASK tại TP.Hà Tĩnh (năm 2018 chưa có giấy phép); công ty TNHH Hùng Hường (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc); công ty TNHH Nhân lực Việt Anh Kenzy (phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh) và công ty Cổ phần Hợp tác Quốc tế Hoàng Gia (thị trấn Cẩm Xuyên).

    Trước đó, báo ĐS&PL từng có bài phản ánh về hoạt động xuất khẩu lao động trái phép tại công ty Toàn Cầu. Hiện, vụ việc này đang được cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều tra, làm rõ. Ngoài ra, cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng phát hiện nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp XKLĐ ngoại tỉnh chưa được sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động của các văn phòng trên địa bàn nhưng vẫn treo biển quảng cáo, tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động, tiếp nhận hồ sơ của người đi lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    Trước đó, báo ĐS&PL từng có bài phản ánh về hoạt động xuất khẩu lao động trái phép tại công ty Toàn Cầu.

    Theo đó, có 8 trường hợp là các chi nhánh, văn phòng bị phát hiện và xử lý vi phạm, gồm: Văn phòng công ty CP Xuất nhập khẩu CIP.CO IMEX; Văn phòng công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại THABICO Thái Bình (tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc); VP công ty cổ phần phát triển Việt Thắng (tại phường Hà Huy Tập và tại xã Thạch Bình, TP.Hà Tĩnh); Văn phòng công ty Cổ phần XNK và hợp tác Quốc tế Việt Nam (tại TX Hồng Lĩnh); Văn phòng công ty Cổ phần Nhân lực IPM Việt Nam (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên); Văn phòng công ty Cổ phần Nhân lực TTC (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên và phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh).

    Thậm chí trường hợp Trưởng Văn phòng công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại THABICO Thái Bình (tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) còn đứng ra tổ chức thu tiền đặt cọc, tiền phí xuất cảnh, thu học phí Ngoại ngữ của lao động đăng ký đi làm việc tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Algeria... nhưng không có giấy ủy quyền của công ty.

    Ngoài ra, công ty TNHH Tư vấn Du học XKLĐ Lucky TD MASAN (phường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh) được xác định lợi dụng chủ trương về đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc để tư vấn, giới thiệu lừa đảo thu tiền của 43 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có lao động đã nộp tới 260 triệu và 2.500 USD. Vụ việc đã được sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu công ty khắc phục hậu quả, đồng thời tiến hành các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

    Để lao động không bị lừa, sở LĐ- TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cũng công bố danh sách 21 đơn vị, doanh nghiệp được phép tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng xuất khẩu lao động trên địa bàn Hà Tĩnh tính đến tháng 10/2019.

    Được biết, tại Hà Tĩnh, hiện có 72.236 người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.600 người. Riêng năm 2017 có 8.567 người, năm 2018 có 8.973 người, dự kiến năm 2019 có 8.500 người.

    Tính đến nay, Hà Tĩnh đang có trên 55.200 người đang làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động.

    Các chuyên gia khuyến cáo, người lao động nên cảnh giác với các hành vi lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động. Thực tế để đi lao động không hề đơn giản. Người lao động phải qua các khâu tuyển dụng, đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện mới có thể làm thủ tục xuất cảnh. Ngoài ra, những người đi lao động phải trải qua khóa giáo dục định hướng: Đào tạo nghề, đào tạo ngôn ngữ, kiến thức cơ bản của nước sở tại... sau đó kiểm tra sức khỏe đủ điều kiện thì mới được đi. Thế nên, người lao động cần tìm hiểu kỹ về các trung tâm xuất khẩu lao động tránh tình trạng tiền mất tật mạng, thậm chí là “sập bẫy” nạn buôn bán người.

    Ngân Hà

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 175

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuyt-coi-hang-loat-cong-ty-hoat-dong-xuat-khau-lao-dong-trai-phep-tai-ha-tinh-a299271.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan