Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến 12h ngày 29/7, đã có gần 703.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống. Con số này tăng khoảng 60.000 so với tổng số thí sinh đã đăng ký năm 2023.
Thời điểm kết thúc đăng ký xét tuyển của thí sinh trên hệ thống của Bộ GD&ĐT là 17h ngày 30/7. Thí sinh chỉ được thực hiện các điều chỉnh, bổ sung thông tin, trước giờ đóng hệ thống.
Theo lịch, từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.
Từ ngày 13/8 đến 17/8, Bộ GD&ĐT sẽ lọc ảo sau đó sẽ thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 để các em xác nhận nhập học trực tuyến trước 17h ngày 27/8.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trước khi Bộ GD&ĐT đóng hệ thống tuyển sinh, học sinh cần rà soát kỹ thông tin, kể cả đối tượng, khu vực ưu tiên xem có sai sót gì không để chỉnh sửa một cách hoàn thiện. Học sinh cần sắp xếp nguyện vọng ngành, trường đại học mình mong muốn cao nhất lên đầu. Hệ thống sẽ ưu tiên học sinh nào có điểm cao, kết quả tốt hơn sẽ trúng tuyển.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm một ngành ở trường đại học nào đó và nếu đó thực sự là ngành mình mong muốn thì thí sinh chỉ cần đặt nguyện vọng xét tuyển sớm trên hệ thống là chắc chắn đỗ. Tuy nhiên, nếu thí sinh chưa đỗ xét tuyển sớm mà chỉ dùng duy nhất điểm thi THPT để bắt đầu xét tuyển thì nên có phương án dự phòng.
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm, thí sinh không nên để đến phút chót mới đăng ký. Khi đăng nhập trên hệ thống, các thí sinh cần bảo mật tài khoản.
Nếu bảo mật không tốt, có người khác có thể tự ý đăng nhập vào tài khoản và sắp xếp thứ tự nguyện vọng không đúng theo mong muốn của mình, khi đó các thí sinh vẫn phải chấp nhận kết quả này nếu như hệ thống đã hết thời gian “mở cổng” đăng ký.
Tuy không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, dễ dẫn đến việc bối rối, lúng túng, nhầm lẫn trật tự giữa các nguyện vọng. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng cũng gây lãng phí khi nộp lệ phí tuyển sinh.
“Chiến lược” được khuyên ở đây là các thí sinh nên đặt nguyện vọng ở các nhóm ngành, nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, từ cao xuống thấp để có các phương án dự phòng rủi ro.
Liên quan đến xét tuyển đại học năm 2024, theo TS Quách Thanh Hải - Trưởng phòng đào tạo Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, việc một số trường gửi thông báo trúng tuyển sớm cho thí sinh và thông tin cần đặt nguyện vọng đó là nguyện vọng 1 cũng chỉ như lời khuyên, gợi ý còn quyết định cuối cùng thế nào vẫn thuộc về quyền của thí sinh.
Mỗi thí sinh có mức điểm thi khác nhau. Nếu thí sinh có điểm thi cao thì có thể tự tin đặt ngành học ở trường top trên, trong trường hợp đạt mức điểm vừa phải nhưng vẫn đặt nguyện vọng cao thì mức độ rủi ro cao hơn.
“Thí sinh yêu thích ngành, trường trúng tuyển sớm, không còn phân vân, mong muốn nào khác thì việc đặt nguyện vọng 1 để chắc chắc đỗ là việc bình thường. Trường hợp thí sinh có nguyện vọng khác, cần căn cứ điểm chuẩn năm ngoái, phổ điểm khối ngành năm nay để đặt nguyện vọng phù hợp với bản thân.
Thí sinh đạt mức điểm cụ thể là A nhưng đang phân vân, lo lắng có thể gọi điện đến trường đại học mình mong muốn để được tư vấn thêm”, TS Quách Thanh Hải chia sẻ.
Đánh giá công tác tuyển sinh qua các năm, TS Quách Thanh Hải nhận thấy hiện nay đa số thí sinh đặt nguyện vọng theo ngành học yêu thích, ít có thí sinh chọn bừa, học đại, kể cả thí sinh chọn phương thức xét tuyển qua học bạ.