+Aa-
    Zalo

    Tuyển sinh 2024: Một số ngành học "nghèo" hồ sơ vì sợ vất vả, "chân lấm tay bùn"

    (ĐS&PL) - Một số ngành học dù được đánh giá rất cần nguồn nhân lực nhưng "nghèo" hồ sơ xét tuyển, nguyên nhân có thể thí sinh nghĩ công việc vất vả, sợ “chân lấm tay bùn”.

    Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng cao nhất trong 3 năm

    Báo Thanh niên dẫn số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 17h ngày 20/7, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ riêng đợt 1 đã tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Số lượng nguyện vọng xét tuyển vào nhiều trường đại học tăng mạnh, có trường tăng gấp đôi năm rồi.

    Tuy nhiên, có những trường ghi nhận tổng số nguyện vọng thấp hơn so với năm ngoái. Số lượng thí sinh xét tuyển vào các trường đại học sẽ tiếp tục thay đổi sau khi thí sinh hoàn tất việc thanh toán lệ phí xét tuyển tính đến 17h ngày 6/8.

    Thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024. Ảnh: Thanh Niên

    Thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024. Ảnh: Thanh Niên

    Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia bắt đầu từ ngày 31/7.

    Đến 17h ngày 6/8, thí sinh 16 địa phương còn lại của cả nước sẽ hoàn tất việc thanh toán lệ phí xét tuyển, gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

    Chênh lệch điểm chuẩn ngành "hot" giữa các trường đại học

    Một vài năm gần đây, ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của thí sinh nên điểm chuẩn ở các phương thức xét tuyển đều cao.

    Tại mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học đã công bố kết quả trúng tuyển sớm vào ngành Khoa học máy tính với mức điểm khá cao.

    Ở phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, ngành Khoa học máy tính Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) có điểm chuẩn ở mức điểm tuyệt đối 10/10.

    Với phương thức xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực, ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) tiếp tục dẫn đầu với điểm chuẩn 1.052/1.200, tăng 17 điểm so với năm ngoái. Ngành Trí tuệ nhân tạo của cùng trường đứng thứ hai với 1.032 điểm, tăng 31 điểm so với năm trước.

    Điểm chuẩn các ngành "hot" có sự chênh lệch lớn giữa các trường. Ảnh minh họa

    Điểm chuẩn các ngành "hot" có sự chênh lệch lớn giữa các trường. Ảnh minh họa 

    Tương tự, tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) ở phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Khoa học Máy tính, chương trình tiêu chuẩn với tổng điểm 86,7/90.

    Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển tài năng cho khoảng 20% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024. Ngành Khoa học Máy tính (IT1) thuộc top 5 ngành có điểm chuẩn ở vị trí hai, chỉ sau ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10). Với điểm chuẩn ngành là 103,89/110 điểm, tăng 13,72 điểm so với năm ngoái.

    Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính là 27,75 với nhóm đối tượng xét tuyển 1 và 22,25 đối với nhóm đối tượng xét tuyển 2.

    Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cũng ở mức cao (145/200 điểm). Tuy vậy, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin hay Trí tuệ nhân tạo chỉ thực sự nóng ở các trường tốp đầu. Ở các trường ĐH thuộc phân khúc thấp hơn, điểm chuẩn lại thấp, có khoảng cách rất lớn với các trường tốp đầu.

    Trong khi đó, tại Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, loạt ngành “hot” như Công nghệ thông tin, Marketing, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Logictics và chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh, Thương mại điện tử... đều lấy điểm chuẩn là 16.

    Từ đó có thể thấy rằng, cùng là một ngành nhưng điểm chuẩn trường đại học này chỉ bằng hơn nửa trường đại học kia, tức là chênh lệch từ 13-14 điểm.

    Báo Tiền phong dẫn lời PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng những ngành học được cho là "hot" do nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh, phụ huynh; nhu cầu việc làm xã hội lớn. Để có cơ hội vào học, thí sinh phải chấp nhận sự cạnh tranh cao.

    Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, ngoài những yếu tố trên, việc quyết định ngành học nào đó có “nóng” hay không còn phụ thuộc vào thương hiệu của các trường ĐH.

    Một vài ngành "nghèo" hồ sơ xét tuyển, nguyên nhân do đâu?

    Chia sẻ về tình hình tuyển sinh năm 2024, tạp chí Giáo dục Việt Nam dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho hay, khoảng 2/3 các ngành đào tạo ở trường thuộc khối ngành công nghệ kỹ thuật.

    Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng thí sinh quan tâm đến khối công nghệ kỹ thuật ít hơn so với các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực về kinh doanh, quản lý, dịch vụ, công nghệ thông tin. Từ đó dẫn đến điểm trúng tuyển của khối ngành này thường thấp hơn so với những khối ngành về kinh doanh, quản lý, công nghệ thông tin. Đó cũng là vấn đề mà nhiều trường đại học đang trăn trở.

    Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

    Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

    Lý giải về vấn đề trên, theo thầy Nhân, hiện nay một số bậc phụ huynh, học sinh còn có suy nghĩ các ngành thuộc khối kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật thường vất vả, khó xin việc, thu nhập không cao. Trong khi thực tế, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật là khối ngành đào tạo ra đội ngũ kỹ sư trực tiếp lao động, sản xuất, tạo ra sản phẩm phục vụ quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.

    Cùng nêu quan điểm về những ngành học "nghèo" hồ sơ xét tuyển, Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Điện lực cho biết, hiện nay, Trường Đại học Điện lực vẫn đang duy trì các ngành thế mạnh và truyền thống.

    Tuy nhiên, một số ngành như ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật môi trường không có nhiều thí sinh đăng ký. Mức điểm trúng tuyển hai ngành này năm 2023 lần lượt là 18 và 20 điểm, nằm trong tốp điểm chuẩn thấp nhất của trường.

    Thầy Toàn cho rằng, đây những ngành tiềm năng, cơ hội nghề nghiệp rộng mở nhưng lại chưa thật sự được nhiều người quan tâm. Thí sinh có xu hướng e ngại vì sợ học khó, làm công việc vất vả hay khó tìm việc, trong khi nhu cầu nhân lực lại rất lớn. Vì vậy mức điểm chuẩn vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của nhà trường.

    Tương tự, tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng cho biết, nhà trường có một số ngành đặc trưng, mặc dù nhu cầu xã hội lớn, thu nhập cao, vị trí việc làm rộng mở nhưng có ít hồ sơ nộp vào, vì vậy điểm chuẩn của những ngành này trong các năm qua khá thấp. Điển hình như các ngành kỹ thuật về dầu khí, môi trường, nhiệt, bảo dưỡng công nghiệp,...

    Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

    Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

    Bên cạnh đó, còn một số ngành khác như Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật nhiệt rất cần nguồn nhân lực nhưng cũng không nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh.

    "Có thể thí sinh nghĩ công việc vất vả, “chân lấm tay bùn” nên lượng hồ sơ đăng ký hạn chế và điểm chuẩn không cao", tạp chí Giáo dục Việt Nam dẫn lời thầy Thắng lý giải.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tuyen-sinh-2024-mot-so-nganh-hoc-ngheo-ho-so-vi-so-vat-va-chan-lam-tay-bun-a454009.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan