(ĐSPL) - Tướng James Mattis, vừa được đề cử cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, đã tuyên bố cuộc chiến tranh Iraq là "một sai lầm chiến lược".
Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế ASIS ở Anaheim, California, tướng về hưu Mattis nói: "Chúng ta có thể phải nhìn nhận lại cuộc xâm lược Iraq như là một sai lầm chiến lược, một sai lầm chiến lược", TTXVN đưa tin.
Mới đây, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề cử ông Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng nước này.
Tướng James Mattis. - Ảnh: AP |
Ông Mattis, giống như nhiều tướng lĩnh Mỹ khác trước cuộc chiến tranh, đã nêu ra những vấn đề khi tiến hành xâm lược Iraq cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld khi đó. Những lời khuyên thẳng thắn như vậy được công bố bởi các quan chức quân sự cấp cao, tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi giới lãnh đạo dân sự.
Trong Chiến tranh Iraq năm 2003, ông Mattis mang quân hàm Thiếu tướng, chỉ huy Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1. Tài chỉ huy của ông được khẳng định trong trận Fallujah năm 2004, một trong những trận đánh khốc liệt nhất cuộc chiến.
Hồi tháng 8/2010, Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm ông làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm. Tuy nhiên, chính quyền Obama không thực sự tín nhiệm ông Mattis vì ông có quan điểm cứng rắn và hướng đến cuộc đối đầu quân sự với Iran.
Kể từ khi nghỉ hưu năm 2013, ông Mattis đã có một số bài phát biểu trên cương vị là một học giả tại Dartmouth và Stanford. Ngày 1/12 vừa qua, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Tướng Mattis cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các mới.
Trước đó, hôm 25/10, cựu Thủ tướng Tony Blair trả lời trong cuộc phỏng vấn với đài CNN rằng, có sự đúng đắn khi nói rằng việc đưa quân đến Iraq là sai lầm, và nguyên nhân chính khiến cho tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy.
Theo tờ Thanh Niên, Anh và Mỹ - dưới thời Tổng thống George W. Bush - đã tấn công Iraq vì tin vào tin tình báo rằng nước này có vũ khí hủy diệt hàng loạt.
“Tôi xin lỗi vì sự thật rằng thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được cho rằng chế độ Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt là sai lầm. chẳng có loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được tìm thấy”, ông Blair nói với đài CNN.
Vào thời điểm cuộc chiến chính thức kết thúc ngày 15/11/2011, hơn 4.000 lính Mỹ, 179 lính Anh và hơn 100.000 dân thường Iraq thiệt mạng, theo USA Today dẫn thông tin từ trang Iraq Body Count
Chú thích tại Điều 1, Khoản 8, Hiến pháp hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Quy định về quyền hạn của Quốc Hội Chỉ có Quốc hội mới có thể tuyên bố chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng thống, với tư cách là Tổng Tư lệnh, có thể đưa Hoa Kỳ vào chiến tranh mà không cần có tuyên bố chiến tranh chính thức từ Quốc hội. Các cuộc chiến không được tuyên bố là Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Chiến tranh Việt Nam (1957-1975) và các cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991, 2003). Giấy phép chặn bắt và trả đũa là các tài liệu cho phép các tàu tư nhân có thể tấn công tàu địch. Những giấy tờ này hiện nay không còn được ban hành nữa. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: https://www.whitehouse.gov/1600/constitution |
(Tổng hợp)