(ĐSPL) - Ngày 26/2, Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đăng tải video có hình ảnh các chiến binh cầm búa tạ và búa khoan phá hủy những cổ vật vô giá tại thành phố Mosul, Iraq.
Trong video này, các tay súng IS đã cầm búa đập phá nhiều cổ vật ở viện bảo tàng thành phố Mosul, bao gồm các cổ vật từ thời kỳ Assyrian và Hellenistic, niên đại khoảng vài thế kỷ trước Công nguyên. Một số kẻ đã dùng búa khoan để phá hủy biểu tượng con bò có cánh của thời Assyrian bằng đá granite ốp trên Cổng Nergal ở Mosul.
Chiến binh IS xô đổ một bức tượng tại bảo tàng ở Mosul, Iraq.
|
|
"Hỡi người Hồi giáo, những cổ vật phía sau ta là thứ người cổ đại sùng bái. Họ tôn thờ chúng thay vì Đấng tối cao. Người Assyrian, Akkadian cùng nhiều tộc người khác có thần mưa, thần nông nghiệp, thần chiến tranh... và họ thể hiện mối liên hệ mật thiết với các vị thần đó bằng cách cúng bái", một phiến quân có râu nói trước máy quay.
"Đấng tiên tri đã dỡ bỏ và chôn vùi những tượng thần ở Mecca bằng đôi tay được ban phúc của ngài", tên này nói tiếp với ý nhắc đến nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed.
Vụ việc đáng báo động này được các nhà khảo cổ học và các chuyên gia di sản so sánh với vụ phá hủy tượng phật Bamiyan ở Afghanistan do Taliban tiến hành năm 2001.
Ông Thomas Campbell, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan nổi tiếng ở New York, lên án đây là "hành vi huỷ hoại nghiêm trọng đến một trong những bảo tàng quan trọng nhất ở Trung Đông".
"Cuộc tấn công không cân nhắc nhằm vào nghệ thuật, lịch sử và hiểu biết của con người không chỉ tạo ra tấn bi kịch đối với bảo tàng Mosul mà còn đối với cả cam kết dùng nghệ thuật để đoàn kết, thúc đẩy hiểu biết giữa các dân tộc", ông nói.
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết bà đã kiến nghị Hội đồng Bảo an triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngay sau vụ phá hủy bảo tàng ở Mosul. Bà cho biết: "Cuộc tấn công này không chỉ là một thảm kịch văn hóa mà còn liên quan mật thiết đến an ninh ở Iraq".
Bà cho biết việc phá hủy các cổ vật ở Mosul đã vi phạm nghị quyết 2199 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - được thông qua hồi đầu tháng này nhằm kiềm chế việc buôn bán cổ vật bị cướp phá từ Iraq và Syria, hành vi được coi là đem lại nguồn tài chính quan trọng cho IS.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/is-tung-video-pha-huy-cac-co-vat-quy-o-iraq-a85306.html