+Aa-
    Zalo

    Tương lai mịt mờ cho nền giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ ở Afghanistan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul (Afghanistan), cả thế giới đã bày tỏ lo ngại về tương lai và vấn đề giáo dục của phụ nữ tại nước này.

    Ngôi trường nội trú duy nhất dành cho nữ sinh ở Afghanistan đã phải chuyển tới Rwanda sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul ngày 15/8 vừa qua. Theo đó, trong đoạn video được đăng tải trước khi ngôi trường này chuyển đi, đồng sáng lập trường học, cô Shabana Basij-Rasikh đã đốt toàn bộ hồ sơ trong lớp để tránh bị Taliban tái sử dụng hoặc chia sẻ rộng rãi. 

    Được biết, khi tìm đường rời khỏi Afghanisan, cô Shabana Basij-Rasikh đã dẫn theo 250 nữ sinh nhưng vẫn còn nhiều em học sinh nữ bị mắc kẹt lại Kabul. Do đó, lên tiếng về việc này, cô Basij-Rasikh kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng rời mắt khỏi hàng triệu trẻ em gái và phụ nữ ở Afghanisan. 

    Trong khi đó, cô Pashtana Durrani, giám đốc điều hành của Learn Afghanistan, cũng đã lên tiếng về tình hình ở Afghanistan. Cụ thể, bà Durrani khẳng định bà sẽ "nuôi dưỡng một đội quân giống với Taliban, chỉ có điều đội quân sẽ bao là những cô gái được giáo dục đầy đủ".

    tre em gai o afghanistan
    Nhiều người đã bày tỏ lo ngại về tương lai của trẻ em gái và phụ nữ ở Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát phần lớn đất nước. Ảnh: Getty

    Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo phần lớn đất nước, nhóm Hồi giáo Taliban đã thể hiện cho thế giới thấy những thay đổi của mình với tư tưởng có phần mềm mỏng hơn so với 20 năm trước, đặc biệt là trong vấn đề bình đẳng với phụ nữ. Trước đó, trong nhưng năm 1996, dưới dự cai trị của Taliban, phụ nữ tại Afghanistan không được đi học, thậm chí họ không được phép ra khỏi nhà nếu không có một thành viên nam trong gia đình đi cùng. 

    Trong thời gian Taliban kiểm soát đất nước trước khi bị lật đổ vào năm 2001, chỉ có khoảng 12% trẻ em gái ở độ tuổi tiểu học được đi học ở một số trường, con số này tăng lên khoảng 50% vào năm 2015, theo một phân tích dữ liệu khảo sát của Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington (Mỹ). Báo cáo cho biết vào năm 2020, khoảng 39% (tương đương 3,7 triệu) trong số 9,5 triệu trẻ em được đi học ở Afghanistan là trẻ em gái.

    Trong những tuyên bố mới với thế giới sau khi tiếp quản Kabul, phát ngôn viên của Taliban khẳng định nhóm Hồi giáo hiện nay coi trọng quyền phụ nữ và khuyến khích phụ nữ đi học, đi làm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều báo cáo cho biết phụ nữ tại Afghanistan đã bị đuổi về nhà từ trường học, nơi làm việc khiến thế giới lo ngại thực tế có thể sẽ khác với lời hứa hẹn mà Taliban đưa ra. 

    Do đó, người đứng đầu các nhóm viện trợ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng đòn bẩy viện trợ nước ngoài của họ để ngăn chặn nguy cơ những tiến bộ trong giáo dục trẻ em gái đã đạt được trong 2 thập kỷ qua bị đảo ngược.

    Cụ thể, ông Kevin Watkins, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Firoz Lalji tại Châu Phi và là cựu lãnh đạo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết: "Thách thức hiện nay là phải bảo vệ những thành quả đã đạt được. Những người theo chủ nghĩa thực dụng trong nhóm lãnh đạo của Taliban sẽ nhận thức được rằng họ rất cần sự hỗ trợ của quốc tế để ứng phó với nguy cơ nạn đói, cung cấp các dịch vụ cơ bản và tạo việc làm cho người dân. Các nhà viện trợ giờ đây phải yêu cầu Taliban vừa bảo vệ nền giáo dục cho trẻ em gái và vừa cung cấp tài chính cho cộng đồng".

    Ông Watkins chia sẻ ông từng tới thăm nhiều ngôi làng, ở đó Taliban đã cấm thành lập các trường học cho trẻ em nữ nhưng nhóm này cũng "làm ngơ" trước những lớp học tự tổ chức tại nhà cho nữ sinh. Qua đó, ông phân tích những thành tựu phi thường trong giáo dục "không đạt được qua các sắc lệnh hành chính từ một chính phủ", mà thay vào đó "giành được thông qua chủ nghĩa anh hùng thầm lặng của các cộng đồng địa phương, giáo viên và tổ chức phi chính phủ, những người đã đàm phán, và đặt thách thức, đối với các thủ lĩnh Taliban. 

    Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef ​​hồi tháng 12/2020 đã đạt được một thỏa thuận với Taliban để tổ chức các lớp học tiểu học cho 140.000 trẻ em, bao gồm cả trẻ em gái, tại các khu vực do nhóm này kiểm soát. 

    Tuần trước, trưởng bộ phận hoạt động thực địa của Unicef, ông Mustapha Ben Messaoud, đã tham gia một cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc. Tại đây, ông đã bày tỏ sự lạc quan sau khi làm việc với các quan chức Taliban, khi thấy họ sớm ủng hộ việc giáo dục cho trẻ em gái. Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng tiết lộ họ đã có những cuộc trao đổi tương tự với Taliban.

    Tuy nhiên, ông Ashley Jackson, điều phối viên tại Viện Phát triển Nước ngoài, lại bày tỏ nhiều nghi vấn: "Chúng tôi chưa biết các quy tắc của Taliban là gì vì họ chưa công bố bất kỳ quy tắc nào. Nhưng cách duy nhất để duy trì những thành quả đạt được trong giáo dục là nói chuyện với Taliban. Unicef ​​đã nói rằng họ rất lạc quan. Họ lạc quan bởi vì họ phải như vậy. Trừ khi chúng tôi tham gia với họ nếu không thì không có hy vọng nào cả".

    Trong khi đó, bà Heather Barr, phó giám đốc về quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chia sẻ: "Những người Afghanistan mà tôi đã gặp gỡ đang nói đi nói lại rằng, họ [Taliban] đang cố gắng tỏ ra hợp pháp nhưng ngay khi mọi người ngừng chú ý, họ sẽ trở về như trước. Chúng tôi biết điều đó có ý nghĩa gì trong những năm 1990".

    tre em gai o afghanistan 1
    Tỷ lệ đi học tại Afghanistan được dự đoán sẽ giảm mạnh bất chấp những lời cam kết của Taliban. Ảnh: AP

    Bà Barr cho rằng: "Nếu các tổ chức có thể thực hiện các thỏa thuận với Taliban để thu hút trẻ em gái vào các trường tiểu học, thì đó là điều tích cực và sẽ thay đổi cuộc sống". Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh điều đó có thể chỉ là một giấc mơ.

    Bà Laurie Lee, giám đốc điều hành của Care International, tổ chức giáo dục trẻ em ở Afghanistan, cho biết Vương quốc Anh và các nước khác phải "tin tưởng vào các tổ chức phi chính phủ". Bà Lee khẳng định: "Chúng tôi đã có nhiều năm quản lý và điều hành các trường học ở khắp cả nước Afghanistan, kể cả những nơi trước đây không có trường học. Chúng tôi đã có thể thương lượng với các nhà lãnh đạo địa phương và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục".

    Dù vậy, bà Susannah Hares, giám đốc Trung tâm Phát triển Toàn cầu, vẫn dự đoán tỷ lệ đi học sẽ giảm mạnh, bất chấp sự đảm bảo của Taliban, tại các trường học dành cho cả hai giới. 

    Minh Hạnh (Theo Guardian)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuong-lai-mit-mo-cho-nen-giao-duc-cua-tre-em-gai-va-phu-nu-o-afghanistan-a511473.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan