(ĐSPL) - Tôi quen anh đã lâu, theo anh rong ruổi trên nhiều chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa trao tặng quà cho người nghèo. Anh thường để lại dấu ấn rất sâu đậm với những ai đã từng một lần gặp gỡ. Bị tật nguyền từ lúc mới sinh ra, nhưng bù lại anh có một trái tim vô cùng nhân hậu, khi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với những người yếu thế. Mọi người vẫn thường gọi anh bằng một cái tên trìu mến: “Hiệp sĩ tình nguyện khuyết tật” Lê Quang Toán. Nhưng ít ai biết được, đằng sau những nụ cười giàu nhân ái ấy của anh, là những giọt nước mắt lăn dài suốt tuổi thơ thiệt thòi.
Tuổi thơ thấm đẫm nước mắt
Đến nhà anh trong một buổi chiều nắng oi ả của chảo lửa miền Trung, tiếp chuyện với chúng tôi là bà Trần Thị Liên, mẹ anh Toán.
Với gương mặt in đậm dấu ấn của sự khắc khổ và vất vả, bà kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ bất hạnh của đứa con trai kém may mắn: “Cưới nhau năm 1978, được một năm thì tôi có bầu. Sáu tháng, cơ địa của người phụ nữ mang bầu phải kiêng kị nhiều điều, nhưng vì vất vả mưu sinh, nên một lần vô tình tôi đi ghánh nước về nấu ăn, bước qua mương bị trượt chân gây chấn động thai. Bảy tháng tôi sinh ra Toán, cân nặng vỏn vẹn 1kg. Ngày ấy, Bệnh viện Đồng Hới chỉ có một cái lồng ấp, vợ chồng tôi cho con nằm được 20 ngày thì các bác sĩ nói, chắc thằng cu không qua được, về nhà sống được ngày nào thì hay ngày ấy”.
Còn nước còn tát, anh Toán về nhà được ba mẹ tận tình chăm sóc, đút sữa, nước cơm. Kỳ lạ thay, 3 tháng sau, đứa trẻ “quặt quẹo” ngày nào đã nặng 3kg. Theo câu chuyện người lớn kể lại, anh hóm hỉnh bằng chất giọng Quảng Bình đặc sệt: “Hồi nớ, thân như chai bia, đầu như quả dừa”.
Anh lớn lên trong dòng suy nghĩ của mọi người “chắc sau này cũng chỉ nằm một chỗ”. Nhưng dường như sức sống mãnh liệt của chàng “Hiệp sĩ tình nguyện” được nhen nhóm từ chính tuổi thơ đầy thách thức, chông gai: “Hai tuổi, tôi vào Huế sống cùng ba mẹ. Ba tuổi, tôi chập chững la lết men theo tường. Thấy con khó nhọc trong từng bước đi, ba đóng cho một chiếc xe bằng gỗ để tôi tự tin đi lại”.
Bà Liên chia sẻ: “Sáu tuổi Toán mới chập chững biết đi, ngã cho đầu gối te tua. Từ 6 tuổi đến 15 tuổi không lúc nào chân liền sẹo. Đau đớn là vậy nhưng Toán không khi nào lùi bước. Thương con lắm nhưng nhìn thấy ý chí của con như vậy, vợ chồng tôi cũng được an ủi phần nào”. Mười tuổi, thấy bạn bè xung quanh ai cũng được cắp sách tới trường, anh xin ba mẹ cho đi học: “Vì thần kinh chi phối cơ thể nên việc viết lách thực sự rất khó, viết chữ như hình vuông, số 2 ra chữ z”. Nhớ lại quảng thời gian đi học, anh chợt lặng người: “ngày ấy, hôm mô đi học cũng có một nhóm bạn đi theo giễu cợt, có bạn còn làm theo dáng đi của mình. Trên con đường đi học, không biết bao nhiêu lần khóc tủi”.
Học được một năm, anh lại theo ba mẹ về quê nội ở Quảng Bình. Khi đó gia đình anh chưa có nhà, phải ở nhờ nhà người quen. “Vì đường ở quê đất ruộng, mỗi trận mưa xong đường trơn trượt rất dễ ngã vì vậy ông nội cõng tôi trên lưng mỗi lần đi học”, anh chia sẻ.
Rồi ba mẹ anh xây được một căn nhà nhỏ ở Đồng Hới, anh lại một lần nữa được chuyển nhà, chuyển trường. Nhà cách trường 2km, nên mẹ anh buộc phải nghỉ việc ở nhà đưa đón con đi học. Được 2 năm, anh bảo mẹ đừng chở đi nữa vì muốn tự đi bộ đến trường bằng chính đôi chân của mình. Nói được, làm được, hàng ngày Toán bước thấp, bước cao khập khễnh đi trên con đường dài 2km tới trường. Với những đứa trẻ lành lặn, khỏe mạnh, đó có thể là một quảng đường bình thường, nhưng đối với anh, một chàng trai khuyết tật, nhỏ thó, đó quả là một điều kỳ diệu.
Anh Hoàng Đức Hiếu, bạn học cùng phổ thông với Toán chia sẻ: “Trong quá trình học tập, Toán là người rất thông mình, nhưng vì viết chậm nên không thể diễn đạt được hết ý mình muốn nói. Mỗi lần đi thi, buộc Toán phải tóm gọn trong những ý trìu tượng nhất chứ không thể lan man như các bạn được”.
Tốt nghiệp THPT, Lê Quang Toán học 2 năm trung cấp chuyên nghiệp về Tin học ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình. Sau đó, anh thi đỗ vào Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hệ tại chức.
Chàng trai khuyết tật đam mê tình nguyện
Ông trời rất công bằng khi bù đắp cho anh những thiệt thòi về thể xác bằng một trái tim nồng ấm, nhân hậu. Những người tiếp xúc với anh đều có chung một nhận xét, anh là chàng trai khuyết tật đam mê tình nguyện.
“Hiệp sĩ tình nguyện khuyết tật” Lê Quang Toán trong một hoạt động thiện nguyện của mình. |
Chia sẻ chặng đường đầu tiên đến với hoạt động tình nguyện, ánh mắt anh dấy lên niềm vui lạ kỳ: “Thời đi học Trung cấp Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình, mình thấy đoàn trường hay tổ chức hoạt động tình nguyện đi miền núi, nhưng khi đó còn do dự và mặc cảm vì bị tật nguyền nên mình chưa tham gia. Sau đó, ý thức được làm từ thiện với mong muốn chia sẻ yêu thương với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, mình đăng ký tham gia trang Cộng đồng Quảng Bình online, cùng các thành viên kêu gọi vận động tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh, những người nghèo khó từ Tân Trạch, Thượng Trạch, Dân Hoá, Thượng Hoá, Yên Hoá cho đến các vùng đệm Phong Nha...”. Ngoài ra, anh cùng cùng mọi người kết nối cộng đồng mạng trong và ngoài nước, kêu gọi, vận động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, người khuyết tật. Anh là thành viên tích cực trên các website, diễn đàn: vicongdong.vn, chatdocdacam.vn, nguoitoicuumang... và nhiều câu lạc bộ tình nguyện.
Trước khi lên một chương trình thiện nguyện anh tính toán rất kỹ lưỡng, lên kế hoạch làm thế nào để tiết kiệm chi phí đến mức thấp nhất nhưng đem lại hiệu quả cao nhất: “Trước một nhóm cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, mình đăng trên các trang mạng những vật dụng họ thực sự cần thiết, còn thiếu thốn để mọi người cùng góp sức, hạn chế trực tiếp đến xin các đơn vị, cá nhân hỗ trợ, làm như vậy một chặp sẽ nhàm. Một chương trình làm xong mình đăng hiệu quả lên các trang mạng, để những người tài trợ cảm thấy yên tâm, rằng những thứ họ đóng góp thực sự có ích cho người nghèo”.
Hàng ngày, trên chiếc xe cup 50 đời cũ, anh vẫn rong ruỗi trên khắp các nẻo đường thôn quê, là cầu nối mang đến chút tình nồng ấm của mọi người trên khắp đất nước. Mỗi lần đến với trẻ em khó khăn là mỗi lần để lại trong anh nhiều cảm xúc khó tả: “Có những khi đưa bánh kẹo đến có cháu còn cảm thấy lạ lẫm, bởi chưa bao giờ được ăn thứ bánh kẹo nào ngon như thế. Vào dịp rằm Trung thu, mình mua bánh đến dặn các gia đình phải cắt ăn ngay, đừng để giành hết hạn ăn sẽ đau bụng. Nhiều đứa sợ bánh hết, không dám ăn miếng to mà cắn ăn từng tí từng tí.... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, trong lòng rất xót xa, nhủ mình phải cố gắng hơn nữa”, anh Toán chia sẻ.
Lê Quang Toán (thứ tư từ trái sang) được trao tặng giải thưởng “Tình nguyện quốc gia 2012” do Liên hiệp quốc và Trung ương Đoàn bình chọn (tháng 12/2012). |
Quá trình hoạt động thiện nguyện, anh nhận được nhiều phần thưởng quý giá: Top 20 cá nhân xuất sắc của giải thưởng “Tình nguyện Chim én 2011”; Giải thưởng Chim én 2012 cho cá nhân xuất sắc; là người khuyết tật duy nhất trong số năm cá nhân xuất sắc được trao tặng giải thưởng “Tình nguyện quốc gia 2012” do Liên hiệp quốc và Trung ương Đoàn bình chọn (tháng 12/2012); bằng khen của Trung ương Hội Người khuyết tật (tháng 4/2013); bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tháng 6/2013…Với những cống hiến của mình, Lê Quang Toán được Chủ tịch UBND tỉnh xét vào biên chế làm chuyên viên, phụ trách công nghệ thông tin của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2013. Hiện, anh đã được UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Ngày anh sinh ra, người ta nghĩ tới cuộc đời đứa trẻ mãi nằm trên giường bệnh. Nhưng như phủ nhận tất cả, anh tận dụng từng giờ, từng ngày để thay đổi chính số phận tưởng chừng “nghiệt ngã” đó. Ngày hôm nay, người ta biết tới Lê Quang Toán như một vị anh hùng trong hoạt động tình nguyện, một chàng trai khuyết tật có trái tim nhân hậu.
“Để có được kết quả như ngày hôm nay, khẳng định chỗ đứng, tiếng nói của mình trong xã hội bản thân cũng rất bất ngờ. Nhưng trước sự nỗ lực, phấn đấu của mình thì đó là kết quả xứng đáng, là một điều đáng tự hào”, Lê Quang Toán chia sẻ.