Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau vừa có văn bản kiến nghị sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xem xét xử lý nghiêm chủ tài khoản Facebook đăng thông tin thất thiệt “ăn sò lụa đỏ tử vong” trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Đăng thông tin thất thiệt, bịa đặt
Sò lụa đỏ. |
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền “thông tin khẩn cấp” với nội dung cho rằng: “Các anh chị lưu ý con sò Hải Sản Lụa Đỏ ngoại lai nguồn gốc từ Ninh Thuận - Bình Thuận (cũng có thể do người Trung Quốc đem giống qua nuôi tại khu nuôi Phormosa đã nhiễm độc).
Hiện nay con lụa đỏ có chất độc gây hại con người. Hiện tại nguồn thông tin mới nhất vừa cập nhật ngày 10/10/2019 (Dương lịch). Tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau có 4 người ăn con lụa đỏ (thường gọi là sò lụa đỏ) ngoại lai và trong đó đã có 1 người tử vong và 3 người khác đang cấp cứu tại tỉnh Cà Mau”.
Ngay khi “thông tin khẩn cấp” trên được lan truyền, PV báo ĐS&PL có buổi trao đổi với bác sĩ Huỳnh Văn Tạo, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Bác sĩ Tạo khẳng định: “Trong mấy ngày qua, tôi đã rà soát tất cả các khoa, phòng bệnh viện rồi. Không có trường hợp nào tử vong do ăn sò lụa đỏ cả”.
Bên cạnh đó, sở Y tế tỉnh Cà Mau cũng có ý kiến liên quan đến việc ăn sò lụa đỏ bị ngộ độc tử vong được đăng tải trên Facebook là thông tin bịa đặt, gây hoang mang cho người dân. Nhận thấy việc làm trên sai trái, chủ tài khoản “Keo Dán Vá Bạt” có đăng tải nội dung xin lỗi rằng: “Em tên Trần Minh Dương. Em đã xác minh thực sự về con sò lụa đỏ. Do sự nhầm lẫn của người chết là do bị mèo dại cắn và ăn sò bị ngộ độc chết chứ không phải do ăn con sò lụa đỏ gây chết người (với người nhà họ nghi ngờ là ăn sò lụa đỏ nên mới xảy ra tình trạng nhầm lẫn như vậy).
Em xin chân thành xin lỗi tất cả và xin rút bài chia sẻ. Mong anh chị em gỡ bài chia sẻ hộ em. Sò lụa ăn rất ngon, ngọt mà nó còn là món ăn khoái khẩu của em. Em nghe tin đồn cũng hoang mang...”.
Kiến nghị xử lý người tung tin thất thiệt
Ngay khi nhận thông tin, sở TT&TT tỉnh Cà Mau có văn bản gửi sở NN&PTNT nhằm phối hợp làm rõ. Theo sở NN&PTNT tỉnh, sau khi đi khảo sát, nắm tình hình, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có nhiều điểm bán sò lụa đỏ, mỗi ngày tiêu thụ 3-7 tấn, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc, tử vong và thông tin đăng tải trên Facebook là “không có thật”.
Qua nắm thông tin các chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) được biết, nguồn hàng này nhập chủ yếu là ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Người tiêu dùng tại địa phương vẫn mua sử dụng hàng ngày nhưng chưa nghe thông tin trên địa bàn có người ngộ độc.
Sò lụa đỏ xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ 6 tháng gần đây sản lượng tăng cao nên được nhập về các tỉnh với số lượng lớn. Theo một số cơ sở có bán lụa đỏ sỉ và lẻ tại các chợ của TP.Cà Mau, sò lụa đỏ nhập về bán lại với giá 25 ngàn đồng/kg. Các gia đình vẫn mua sử dụng, nhưng không có vấn đề gì xảy ra. Từ khi có thông tin ngộ độc khi ăn sò lụa đỏ đăng tải trên Facebook thì lượng tiêu thụ giảm đáng kể.
Ngoài ra, một số huyện như Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển... cũng nhập sò lụa đỏ về bán cho người tiêu dùng trong huyện, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc, tử vong như thông tin Facebook đăng tải.
Không hề có chuyện ăn sò lụa đỏ ngộ độc, tử vong. |
Được biết, sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cũng đã liên hệ qua điện thoại, trao đổi với đại diện chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Cả hai đơn vị này cho biết, vài năm gần đây sò lụa đỏ xuất hiện ngoài tự nhiên ven biển trên địa bàn hai tỉnh (chủ yếu là ở tỉnh Bình Thuận).
Mấy tháng gần đây xuất hiện với số lượng lớn, các thương lái phân phối đi nhiều địa phương, trong đó có Cà Mau. Đại diện chi cục Thủy sản hai tỉnh trên cũng thông tin thêm, từ trước đến nay, các nhà hàng, quán, chợ và người tiêu dùng sử dụng sò lụa đỏ làm chế biến thực phẩm rất nhiều, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào ngộ độc, cũng như chưa có tổ chức, cá nhân nào thả nuôi thương phẩm sò lụa đỏ, mà chỉ có khai thác ngoài tự nhiên.
Trao đổi với PV, một chuyên viên phụ trách chuyên môn của chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ trực thuộc cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, vùng thu hoạch lụa đỏ của hai tỉnh nói trên trong thời gian qua chưa đủ tiêu chí để đưa vào kế hoạch kiểm soát vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Theo sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, qua kết quả nắm thông tin từ chính quyền địa phương, người dân và hai tỉnh có lụa đỏ cho thấy, lụa đỏ có nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh miền Trung, chưa có nuôi hoặc khai thác trên vùng biển Cà Mau và cũng chưa phát hiện sử dụng nguồn con giống từ Trung Quốc để nuôi.
“Việc xác định chất lượng lụa đỏ có độc tố hay chất độc gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng thì phải mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu, thu mẫu kiểm nghiệm và trưng cầu các đơn vị có chức năng...”, văn bản của sở NN&PTNT nêu rõ.
Từ những cơ sở trên, sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau kiến nghị sở TT&TT xem xét xử lý nghiêm chủ tài khoản Facebook thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, gây hoang mang và ảnh hưởng đến kinh tế -xã hội của địa phương.
Việt Tâm
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 167