Việc tung tin đồn thất thiệt không chỉ vi phạm pháp luật và bị xử phạt mà còn gây hoang mang dư luận.
Lợi dụng mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt
Mới đây, một tài khoảng facebook có tên...Nguyen đã đăng tải thông tin gần 300 tù nhân tại Trại giam số 5, thuộc Tổng cục 8 (đóng tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa) chết đuối do lũ quét. Một tài khoản có tên... Le cũng đăng tải thông tin với nội dung: Trại giam Công an Thanh Hóa có 700 tù nhân mắc kẹt trong lũ mà không được di tản....
Những thông tin trên ngay sau khi được đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt xem, bình luận, khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Thượng tá Lê Văn Cứu, Giám thị Trại giam số 5 khẳng định, thông tin trên là thất thiệt, bịa đặt.
"Liên quan sinh mạng một con người không ai giấu đi đâu được cả. 300 phạm nhân thì càng không bao giờ có. Còn có gia đình, thân nhân các phạm nhân nữa, nếu có thì làm sao mà giấu được? Và cũng không ai giám giấu cả, vì liên quan đến pháp luật", Thượng tá Cứu khẳng định.
Liên quan đến việc các tài khoản Facebook đăng tải thông tin nêu trên, vị Giám thị Trại giam số 5 cho hay đơn vị chỉ làm chức năng quản lý. Việc điều tra do Tổng cục 8 và các cơ quan khác.
Trung tá Trịnh Dũng Tiến, Đội trưởng Đội tham mưu Trạm giam số 5 bác bỏ thông tin trên và cho biết, đợt mưa lũ ngày 11/10, khiến mực nước sông Hép dâng cao ngập buồng giam. Tại 2 phân trại của trạm giam có 700 phạm nhân bị cô lập. Trước tình huống trên, cán bộ trại đã di chuyển các phạm nhân lên gác 2, hàng ngày, cán bộ làm nhiệm vụ cũng phải dùng cano để tiếp cơm, nước cho phạm nhân.
Tin đồn thất thiệt nhiều tù nhân chết do lũ lụt. Ảnh: Dân Trí |
Trung tá Tiến cho biết thêm hiện mực nước tại khu vực trạm giam đã rút, lối vào các phân trại, buồng giam đã lưu thông trở lại.
Được biết trước đó, rất nhiều trường hợp tung tin đồn lên mạng xã hội và đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Vào tháng 9/2017, một nam thanh niên ở Thái Nguyên bị xử phạt 12,5 triệu đồng vì hành vi tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Cụ thể, nam thanh niên này đã dùng tài khoản facebook của mình đăng tin vỡ đập chính hồ Núi Cốc (Thái Nguyên). Thông tin thất thiệt này sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, khiến dư luận lo lắng.
Tại cơ quan công an, nam thanh niên này đã thừa nhận tung tin đồn để câu "like" bán hàng.
Tháng 6/2017, một cô gái trẻ ở Đà Nẵng cũng bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng vì bịa đặt thông tin bắt cóc trẻ em trên Facebook cá nhân của mình. Theo nhà chức trách, tối 6/6, Ngọc đăng tải thông tin nghe kể về một nhóm 8 người đã thực hiện ít nhất hai vụ bắt cóc trẻ em tại quận Liên Chiểu. Ngọc còn kể chi tiết chuyện một người mẹ bị "cướp" con ngay khi đang ngồi trên xe máy, và một người phụ nữ bịt mặt bế cháu bé đi khỏi nơi vui chơi.
Thông tin này nhanh chóng thu hút cộng đồng mạng. Một số tài khoản Facebook và Fanpage đã dẫn lại khiến nhiều người dân hoang mang. Thấy quá nhiều người bình luận và chia sẻ, Ngọc xóa bài viết.
Ngọc sau đó bị công an triệu tập. Cô khai kinh doanh online, muốn có nhiều người biết đến trang Facebook của mình nên "câu like" bằng việc bịa chuyện bắt cóc trẻ em.
Vào tháng 6/2016, một đôi vợ chồng tại Hà Nội đã tung tin "dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam" và bị nhà chức trách xử phạt hành chính mỗi người 10 triệu đồng.
Xử phạt nặng với những hành vi tung tin đồn thất thiệt
Có thể thấy hành vi phát tán những thông tin bịa đặt, thất thiệt lên mạng xã hội ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Một trong những yếu tố khiến tình trạng này ngày một tăng là do người dùng mạng xã hội thiếu kỹ năng chọn lọc thông tin, nhất là khi tâm lý con người luôn hứng thú với những kiểu tin giật gân.
Hành vi phát tán những thông tin thất thiệt không chỉ là những trò câu like, mà còn tạo nên những hậu quả khôn lường cho cả xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần truy tới cùng và có chế tài mạnh đối với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt, làm ảnh hưởng đến tâm lý, uy tín, sức khỏe của người khác và gây rối loạn xã hội, mất trật tự công cộng.
Trao đổi với PV, chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương cho biết, việc tung tin thất thiệt gây hoang mang cho mọi người trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Về xử phạt hành chính, việc tung những tin đồn thất thiệt đã vi phạm vào hành vi bị cấm tại điểm d, Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng: ”Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện như sau: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau: danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại đồng thời còn có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.
Về xử lý hình sự, tùy từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như sau:
Trong trường hợp xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì : ”Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 được sửa đổi bởi Điều 27 Luật Hình sự sửa đổi năm 2009 về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính cụ thể như sau: “Người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Từ những viện dẫn như trên, người tung những tin đồn thất thiệt lên mạng để nhằm câu like hay nhằm thu lợi bất chính hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.
Hoàng Yên