Nghệ sĩ Tuấn Nam chính là người đã và đang khơi tiếp dòng chảy của nhạc jazz trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Mới đây, anh đã chia sẻ về lý do rời ban nhạc Anh Em.
Đây là thời điểm thích hợp cho tôi rời ban nhạc Anh Em
Chào Tuấn Nam, cho đến bây giờ, người ta vẫn tò mò về việc anh rời khỏi ban nhạc Anh Em? Nếu người ta nói vì anh và những người làm việc trong ban nhạc có mâu thuẫn, anh có thể nói gì về điều này?
Cuộc đời thường ít ai đi 1 đường thẳng, họ vẫn phải rẽ sang hướng khác, tôi không nằm ngoài quy luật đó. Như tôi đã trả lời trước đây, mâu thuẫn ở đâu chẳng có, quan trọng mâu thuẫn dẫn đến sự phát triển, và các bạn dần thấy đó.
Có thể thấy, rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi từng chơi cho nhiều ban nhạc khác nhau, rồi tách ra solo, ở đâu họ cũng tạo được sự ăn ý và gắn kết với những người xung quanh. Chưa kể, rời khỏi ban nhạc Anh Em như cú rẽ để tôi trở về tiếp tục con đường riêng của mình. Đây chính là thời điểm thích hợp, nhất là khát khao biểu diễn thôi thúc, cháy bỏng trong tôi.
Nghệ sĩ Jazz Tuấn Nam |
Anh có thể chia sẻ về con đường đến với Jazz của anh, nếu cho mình được chọn lại một điều gì khác trong tuổi trẻ, anh sẽ làm khác điều gì?
Tôi đến với Jazz như đã được định mệnh sẵn, khi bắt đầu học nhạc đã được các thầy Xuân Trung, Xuân Tứ và sau này khi học tại Nhạc viện Hà Nội là thầy Lưu Quang Minh dẫn dắt tôi tới con đường Jazz. Nếu được chọn làm gì khác lại trong tuổi trẻ, tôi nghĩ tôi sẽ lại chọn nhạc Jazz.
Tôi thích tính ngẫu hứng ở Jazz
Jazz vẫn kén người nghe ở Việt Nam làm, anh có sống đuợc với nghề không hay jazz chỉ là “nghề tay trái” của anh thời?
Dù tôi làm gì trong nghệ thuật thì Jazz vẫn là tôi, và chảy trong huyết quản của tôi, và tôi không làm mờ đi tính Jazz trong âm nhạc của tôi.
Người ta vẫn nói gu nghe nhạc trong Sài Gòn “bình dân” hơn Hà Nội. Anh có nghĩ vậy không? Đêm Jazz của anh ở Sài Gòn nhiều ca sĩ hơn. Việc nhiều ca khúc mục đích để đêm nhạc dễ nghe hơn?
Khác nhau về địa lý, thổ nhưỡng theo quy luật cũng sinh ra những con người tính cách, giọng nói khác nhau và âm nhạc không nằm ngoài quy luật đó. Nhiều ca sĩ, nhiều ca khúc thể hiện sự phong phú mà Jazz phủ tới, bản chất các thể loại âm nhạc sau này như Pop,Rnb, Rap, Hiphop.... là con đẻ của Jazz.
Theo anh ở Việt Nam ai là người hát Jazz hàng đầu hiện nay?
Theo tôi có nhiều tên tuổi mà tôi từng làm việc và biết: Tùng Dương, Hà Trần, Đinh Hương, Bùi Lan Hương, Thuỷ Bùi...
Điều anh thích ở nhạc Jazz là gì?
Tính ngẫu hứng. Có lẽ từ lần đầu tiên tiếp xúc với jazz, tôi đã hiểu dòng nhạc này chính là niềm đam mê bất tận, là dòng máu chảy trong con người tôi. Tôi nghĩ cái gì cũng cần có khởi nguồn.
L.T
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 5 (số 170)