(ĐSPL) - Thạc sỹ - Luật sư Vũ Hồng Hoa – Hợp tác xã Luật Đống Đa đã nêu những quy định của pháp luật liên quan tới vấn đề bảo hộ lao động mà các đơn vị thi công phải tuân thủ.
Thời gian vừa qua, rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại các công trình xây dựng do đơn vị thi công không tuân thủ các quy định về bảo hộ. Mới đây nhất, rạng sáng 13/10, trên Phố Giáp Nhất (Hoàng Mai - HN) xảy ra vụ tai nạn sập giàn giáo công trình đang thi công khiến 2 công nhân thiệt mạng và 4 người khác bị thương.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ - Luật sư Vũ Hồng Hoa – Hợp tác xã Luật Đống Đa để tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề bảo hộ lao động.
Thưa Luật sư, Pháp luật Việt Nam quy định như nào về vấn đề bảo hộ lao động tại các công trình, các đơn vị thi công phải tuân thủ như thế nào về việc này?
Chủ đầu tư phải đảm bảo thực hiện an toàn lao động khi xây dựng:
Tuân thủ Điều 16, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Theo đó, các đơn vị thi công phải bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thạc sỹ - Luật sư Vũ Hồng Hoa. |
Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.
Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.
Tuân thủ quy định tại QCVN 18: 2014/BXD ban hành kèm Theo thông tư 14/2014/TT-BXD Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kỹ thuật quốc gia về an toàn xây dựng;
Tuân thủ Điều 34, Nghị định 59/2015/NĐ-CP về Quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng.
Trong trường hợp chủ đầu tư không đảm bảo những biện pháp an toàn khiến công nhân thi công gặp tai nạn và thiệt mạng, chủ đầu tư sẽ bị xử lý như nào theo quy định pháp luật?
Nếu có căn cứ chứng minh rằng chủ đầu tư không đảm bảo những biện pháp an toàn khiến công nhân thi công gặp tai nạn và thiệt mạng tai nạn chết người, chủ đầu tư có thể bị phạt hành chính:
Điều 28. Vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động trong công trường xây dựng;
b) Lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công mà không có biện pháp bảo đảm an toàn lao động;
c) Sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành, không kiểm định hoặc đã hết thời gian kiểm định;
d) Không có biển báo an toàn;
đ) Không mua các loại bảo hiểm theo quy định;
e) Không có hồ sơ, văn bản, quyết định thành lập tổ chức hệ thống an toàn bảo hộ lao động.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với nhà thầu vi phạm quy định về quy trình phá dỡ công trình xây dựng.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân mà chỉ truy cứu trách nhiệm với cá nhân. Bởi thế việc các chủ đầu tưkhông đảm bảo những biện pháp an toàn khiến công nhân thi công gặp tai nạn và thiệt mạng, chủ đầu tư sẽ thưởng chỉ chịu mức phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe Luật sư!
Xuân Tùng (thực hiện)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]B0lBSNUxyV[/mecloud]