+Aa-
    Zalo

    Từ vụ cô giáo đánh học sinh: Không có giáo dục bằng bạo lực, nhưng không thể thiếu hình phạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ chuyện cô giáo đánh vào đầu học sinh lớp 2, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, không có giáo dục bằng bạo lực nhưng cũng không có giáo dục không hình phạt.

    Từ chuyện cô giáo đánh vào đầu học sinh lớp 2 ở Hải Phòng, TS. Vũ Thu Hương cho rằng: “Giáo dục không thể đi từ thái cực này sang thái cực khác. Không có giáo dục bằng bạo lực cũng không thể có giáo dục không hình phạt.

    Ủng hộ xử phạt nếu vi phạm nội quy

    Là một phụ huynh, anh Bùi Ngọc Phúc (Hà Nội) bày tỏ: “Những vụ việc giáo viên phải đưa ra quyết định phạt học sinh là điều đáng tiếc, nhưng nếu học sinh hư và thậm chí là học sinh cá biệt như vậy, thì theo tôi trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình. Chính sự thiếu kết hợp giữa gia đình và nhà trường khiến cho việc dạy các con thêm khó khăn. Hơn nữa, chính việc các cơ quan quản lý giáo dục bị động và chạy theo áp lực của dư luận cũng sẽ khiến nhiều giáo viên không còn tâm huyết với nghề”.

    “Với tư cách một phụ huynh, tôi ủng hộ việc có biện pháp xử phạt nếu các con vi phạm nội quy. Tuy nhiên, có thể thay đổi hình thức bắt quỳ bằng một hình thức lao động khác. Về phía hội đồng kỷ luật của nhà trường cũng cần có sự bàn bạc trước với ban thường trực cha mẹ học sinh. Do các giáo viên tự nghĩ ra hình thức kỷ luật nên khi xảy ra chuyện, họ cảm thấy bị bỏ mặc và không bằng lòng”, anh chia sẻ thêm.

    Nhiều hình phạt của thầy cô đang bị đánh giá là sự bất lực trong môi trường giáo dục.

    Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: “Khi đánh giá một sự việc bất kỳ, phải nhìn nhận nhiều phương diện. Nền tảng giáo dục đầu tiên chính là gia đình, người thầy đầu tiên chính là cha mẹ, nếu bất cứ sự vụ gì xảy ra, gia đình cũng đều đổ hết trách nhiệm lên các thầy cô và nhà trường, vậy trách nhiệm gia đình, trách nhiệm cha mẹ nằm ở đâu?

    Trong xã hội hiện nay, cha mẹ vô tư giao con cho nhà trường, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học, học bán trú, gần như trọn vẹn thời gian của con trong một ngày là ở trường. Cứ đeo đẳng như thế đến hết phổ thông. Và khi có bất kỳ sự vụ nào xảy ra, cha mẹ ngay lập tức đổ lỗi cho giáo dục trong nhà trường. Đó là sự không công bằng, không khách quan khi đánh giá một sự vật, hiện tượng.

    Theo tôi, khi có một sự việc xảy ra trong trường lớp mà có lỗi của học sinh, phụ huynh cũng cần phải nhìn lại bản thân, trách nhiệm giáo dục con cái đã hoàn thành hay chưa? Chứ đừng vội đổ lỗi cho thầy cô là bạo lực học đường. Tôi thực sự không đồng ý việc phụ huynh khi trong một vụ việc giáo viên phạt học sinh, mà trong đó có lỗi của học sinh, thậm chí có nhiều phụ huynh còn chửi mắng cả giáo viên, đòi quy trách nhiệm của nhà trường. Cách giáo dục như vậy chỉ làm hư con”.

    Theo thầy Hiếu, mỗi giáo viên khi sử dụng bạo lực đối với học sinh là chỉ đang tìm cách để giải quyết “phần ngọn” vấn đề, còn “phần gốc” muốn làm tốt thì phải có phương pháp giảng dạy khiến học sinh không phải “chống đối” quyền và nghĩa vụ học tập đến như vậy.

    Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng đánh học sinh chỉ là cách xử lý "phần ngọn" vấn đề trong giáo dục.

    “Không có giáo dục bằng bạo lực…”

    Về vụ việc học sinh bị đánh ở Hải Phòng, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng tất cả mọi người trong câu chuyện này đều quá sai. Giáo viên đánh trẻ là sai, 100% sai, không cần có lời giải thích nào. Vụ này không giống phạt quỳ ở Hà Nội. Đây là bạo hành và chắc chắn là vi phạm pháp luật. Giáo viên này phải bị xử lý hình sự.

    Bà cũng phân tích thêm: “Bên cạnh đó, phụ huynh xử lý càng sai nữa. Khi con mình bị đánh, phải lập tức đưa con đi khám, lấy căn cứ và tố giác với cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo pháp luật. Nếu con không bị thương tích nặng thì phải tố cáo với cán bộ quản lý giáo dục để xử lý theo quy định ngành. Đưa lên mạng là sai, thậm chí sai về pháp luật. Bởi vì nếu vụ việc không thật sự đúng như họ tố cáo (giả định là vậy), họ có thể vi phạm điều luật xúc phạm người khác.

    Phụ huynh còn sai ở một điểm nữa là lôi kéo người khác vào vụ việc này. Các chuyên gia không bao giờ cổ súy việc sử dụng roi vọt với học sinh. Họ cũng không liên quan đến vụ việc. Không thể ngoắc nối vụ việc này với vụ việc phạt quỳ vì 2 vụ việc hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được gì mà càng làm cho vụ việc rối tung lên.

    Cán bộ quản lý giáo dục sai vì không tập huấn, nâng cao tay nghề giáo viên; không có hướng dẫn cụ thể về việc thưởng và phạt, từ đó giáo viên làm việc theo bản năng, hành xử kém. Cộng với việc không nâng cao ý thức pháp luật cho giáo viên dẫn đến giáo viên vi phạm pháp luật. Họ cũng không quản lý giáo viên nghiêm túc. Giáo viên trước khi đánh đã quát nạt học sinh rất nhiều. Điều này cán bộ quản lý hoặc không biết hoặc ủng hộ.

    Về phía bộ GD&ĐT cũng sai. Rõ ràng ngành giáo dục cần ban hành quy định rõ ràng: Hình thức phạt nào được phép, hình thức nào không được phép.
    Hiện nay mọi việc rất loạn vì chẳng ai biết được làm gì và không được làm gì. Nên khi có một hình thức phạt nặng tay thì tất cả coi đó là bạo hành, còn khi có bạo hành thật thì tất cả lại chống lại mọi hình thức kỷ luật”.

    “…Cũng không có giáo dục không hình phạt”

    Giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: “Giáo dục không thể đi từ thái cực này sang thái cực khác. Không có giáo dục bằng bạo lực cũng không thể có giáo dục không hình phạt.

    Cụ thể hơn, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội dẫn chứng: “Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận lại, nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng những hình phạt đối với học sinh rất nhiều, thậm chí, có những hình phạt ở Việt Nam bị cấm, bị lên án nhưng ở nước ngoài vẫn được sử dụng.

    TS. Vũ Thu Hương cho rằng, sẽ không có giáo dục bằng bạo lực nhưng cũng không thể có giáo dục không có hình phạt.

    Ví dụ, tại Mỹ có 17 bang chấp nhận quy định giáo viên được quyền đánh học sinh bằng roi, có quy định rõ là roi gì. Một số nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore đồng ý cho giáo viên phạt học sinh quỳ, mà không đơn giản chỉ là phạt quỳ thông thường, mà còn quỳ trên hạt đậu hoặc vật gì đó để học sinh cảm nhận được đau đớn và nhận ra lỗi của mình.

    Ở các nước, họ có quyền đánh, phạt quỳ đối với học sinh nhưng đều có quy định rất rõ ràng và như tôi nói ở nhiều bài báo: phải có thông điệp giáo dục rõ ràng để tránh các loại đòn thù”.

    TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng: “Theo tôi, hiện nay, phụ huynh không hiểu giá trị của hình phạt trong giáo dục. Vì vậy, rất cần những lời tư vấn, đến từ các cơ quan chăm sóc trẻ em.

    Bản thân tôi không ủng hộ những hình phạt gây đau đớn cho học sinh. Tuy nhiên, việc phụ huynh can thiệp quá sâu vào mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh sẽ dẫn đến việc, chúng ta trao cho hai đối tượng này những thông điệp phi giáo dục.

    Cụ thể, khi nhà trường phạt giáo viên vì giáo viên phạt học sinh, thì sẽ khiến cho giáo viên nghĩ rằng mình không được phạt học sinh, nhiệm vụ giáo viên chỉ là lên lớp giảng bài, còn học sinh muốn học hay chơi cũng không can thiệp, không phải nhiệm vụ của họ. Từ đó, học sinh sẽ cho rằng không ai có quyền phạt mình, không thể phân biệt được đúng sai, không thể hiểu biết về pháp luật. Phụ huynh luôn đặt câu hỏi tại sao giáo viên không “dỗ” mà lại phạt, nhưng khi học sinh đó ra đời, không có ý thức tuân thủ pháp luật, thì pháp luật có “dỗ” người phạm tội hay không?”.

    “Giáo dục trẻ rất cần những quy định rõ ràng và cần được công bố trước với phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, việc áp dụng những quy định và hình phạt đó phải được tiến hành với cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý. Khi đó, bản thân học sinh sẽ nhận thức được việc phải tuân thủ kỷ luật và các quy định sẽ công bằng với tất cả mọi người”, bà khẳng định.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-co-giao-danh-hoc-sinh-khong-co-giao-duc-bang-bao-luc-nhung-khong-the-thieu-hinh-phat-a275730.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan