(ĐSPL) – Luật sư nêu quan điểm, cơ quan chức năng cần có phương thức kiểm soát chặt chẽ mà minh bạch hơn trong công tác quản lý PCCC để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra tại các quán karaoke.
Ngày 1/11, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại Quán karaoke 68 (số 68 đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) và cháy lan sang 3 ngôi nhà liền kề, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo thông tin ban đầu từ lực lượng Cảnh sát PCCC, số lượng nạn nhân tử vong là 13 người.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy cho biết: Quán karaoke số 68 Trần Thái Tông chưa đủ điều kiện kinh doanh và đã bị các cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần. Cụ thể, cơ sở này thiếu chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.
Vụ cháy quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông khiến 13 người tử nạn. |
Vừa qua, khi kiểm tra sơ bộ, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.Hà Nội đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn không đáp ứng được điều kiện về PCCC theo quy định của pháp luật.
Cơ chế quản lý còn lỏng lẻo?
Trao đổi với PV, Luật gia Lê Hoài Phương – Hợp tác xã Luật Đống Đa cho biết: “Trong Nghị định số 79/2014/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy và Thông tư 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh vũ trường karaoke, nhà nước đã quy định rất cụ thể về quy chuẩn, cách thức hoạt động để đảm bảo PCCC. Trong hai năm 2015, 2016, cơ quan công an đã có những bước tiến lớn trong công tác phòng cháy chữa cháy trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều “nút” quản lý còn lỏng lẻo nên vẫn chưa thể kiểm soát hết được những cơ sở kinh doanh tự phát, hoạt động khi chưa qua thẩm duyệt.”
Luật gia Phương phân tích thêm, cơ chế xử lý, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế hiện hành còn nhiều bất cập. Quy định pháp luật về xử lý vi phạm PCCC còn nhiều hạn chế, các chế tài xử phạt đưa ra còn chưa đủ mức răn đe nên nhiều chủ cơ sở kinh doanh còn coi nhẹ mức phạt này. Chính ý thức chấp hành về PCCC của một số cơ sở còn thiếu tính tự giác, trây ì, thiếu tính hợp tác là một trong những nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy lớn trong địa bàn.
Trở lại vụ hỏa hoạn tại cơ sở karaoke số 68, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. Theo thông tin từ trước đó, cơ quan công an đã nhiều lần nhắc nhở nhưng bất chấp động thái này chủ cơ sở vẫn cố tình hoạt động và để xảy ra sự cố gây thiệt hại 13 mạng người và cháy lan ra 3 căn nhà xung quanh. Tuy đây là hậu quả không ai mong muốn xảy ra nhưng rõ ràng những mất mát trong vụ cháy là quá lớn.
Dư luận đang đặt ra một loạt các câu hỏi xoay quanh vụ việc trên. Giả sử, nếu chủ cơ sở này thực hiện đúng quy định pháp luật về làm biển quảng cáo và PCCC thì liệu hậu quả đáng tiếc này có xảy ra? Quán karaoke 68 Trần Thái Tông không đủ điều kiện kinh doanh, vậy tại sao cơ quan chức năng vẫn cho doanh nghiệp ngang nhiên hoạt động? Vậy, cơ quan chức năng cần làm gì để những sự việc gì để không còn những trường hợp đáng tiếc như thế tiếp tục xảy ra.
“Vụ việc này là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về việc không thể trễ nải hay vì lợi ích mà bỏ qua công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở. Có lẽ, cơ quan chức năng cần có phương thức kiểm soát chặt chẽ mà minh bạch hơn trong công tác quản lý PCCC để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra sau này và kiên quyết thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn với những cơ sở kinh doanh cố ý không thực hiện PCCC đúng quy chuẩn của pháp luật.” – Luật gia Phương cho biết.
Cần có những hình thức để minh bạch sai phạm
Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh chỉ ra một nghịch lý: Cơ quan chức năng đã làm tốt việc công khai danh tính các cơ sở chế biến thực phẩm bẩn, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm để cảnh báo tới người tiêu dung. Vậy tại sao việc công khai những quán karaoke chưa đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, giấy phép kinh doanh lại chưa thực hiện được.
“Để hạn chế rủi ro và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân, có lẽ cơ quan nhà nước cần có quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh karaoke phải treo biển hiệu chưa đủ điều kiện kinh doanh trước cửa cơ sở nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận để người dân biết. Sở dĩ có quy định này là bởi vì nhiều cơ sở mặc dù chưa đủ điều kiện nhưng vẫn tiếp nhận khách và khi khách vào bên trong cơ sở sẽ gây khó khăn trong công tác kiểm tra giám sát.” – Luật sư Thanh phân tích.
Xuân Tùng (Thực hiện)
[mecloud]keX3RiyjG6[/mecloud]