Ngày 18/7, Nation TV dẫn lời một bác sĩ pháp y giấu tên tại Thái Lan cho hay, mặc dù xyanua được phân loại là hóa chất cần kiểm soát nghiêm ngặt ở Thái Lan, nhưng người dân vẫn có thể mua nó khá dễ dàng để đuổi rắn, kỳ đà.
Đạo luật về Các hóa chất độc hại quy định, bất kỳ ai bị bắt quả tang sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu hoặc thậm chí sở hữu xyanua trái phép đều có thể phải đối mặt với án tù hai năm và/hoặc phạt tiền lên tới 200.000 baht.
Bác sĩ pháp y cho rằng mặc dù hóa chất này không còn được sử dụng trong ngành y tế, nhưng nó vẫn có thể được tìm thấy tự nhiên ở các loại củ như sắn, còn xyanua tổng hợp được sử dụng trong chất đánh bóng gốc dầu và chất tẩy rửa tản nhiệt cho ô tô.
Theo vị bác sĩ, dấu vết của xyanua có thể dễ dàng được phát hiện trong quá trình khám nghiệm tử thi.
Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến các vụ giết người bằng xyanua là niềm tin. "Chúng ta thường không ăn đồ ăn do người lạ mời, nhưng luôn nhận đồ ăn từ những người quen biết. Vì vậy, niềm tin đóng vai trò quan trọng trong các vụ việc kiểu này", ông nói.
Được biết, ngày 18/7, Cảnh sát Thái Lan đang tiếp tục điều tra vụ 4 du khách Việt Nam và 2 người Mỹ gốc Việt tử vong tại khách sạn 5 sao Grand Hyatt Erawan ở Bangkok hôm 16/7. Theo điều tra ban đầu, các nạn nhân được cho là bị đầu độc xyanua.
Trước đó, vào năm 2023, tại Thái Lan, một nữ nghi phạm có biệt danh "Am Cyanide" đã bị buộc tội giết ít nhất 14 người bằng cách tẩm xyanua vào thức ăn của họ. Sau sự việc, cảnh sát đã tiến hành một cuộc điều tra lớn về nguồn gốc chất xyanua. Kết quả cho thấy xyanua được sử dụng trong vụ án này là PanReac từ Tây Ban Nha, được nhập khẩu bởi 1 trong 15 công ty Thái Lan. Xyanua này có nồng độ 75%.