(ĐSPL)- Tối 5/8, chương trình tư vấn xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2015, do báo Sinh Viên Việt Nam, Hoa học trò tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của những năm trước đó
VTC News đưa tin, buổi giao lưu có sự tham gia của ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Cảnh sát Nhân dân…
Chia sẻ với các thí sinh về cách nộp hồ sơ, PGS Trần Văn Nghĩa cho biết ngay từ bây giờ, các thí sinh phải tính toán để có thể trúng tuyển ngay nguyện vọng (NV) 1. Đây là giai đoạn quan trọng, bởi các trường dành đến 70\% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho đợt này.
Chương trình tư vấn xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2015, do báo Sinh Viên Việt Nam, Hoa học trò tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. |
Đối với NV1, thí sinh chỉ được đăng ký vào một trường, tối đa 4 nguyện vọng, theo thứ tự từ 1-4. Trong đợt xét tuyển đầu tiên này, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng hoặc rút hồ sơ.
“Tuy nhiên, các em cần lưu ý, rút hồ sơ là việc tương đối khó khăn. Có phụ huynh hỏi tôi rằng: Nếu ngày 20/8 hết hạn nộp hồ sơ, con ở vị trí gần cuối cùng thì có giữ nguyên nguyện vọng hay rút? Câu hỏi này rất khó trả lời. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh tình trạng khó xử bằng cách thức chọn trường”, PGS Trần Văn Nghĩa chia sẻ.
Vị Phó Cục trưởng Cục Khảo thí cho rằng cơ sở chọn trường là ngành nào điểm cao thường điểm sẽ tiếp tục cao. Trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của những năm trước đó.
Điểm càng lệch so với những năm trước càng xa thì nguyên tắc an toàn càng cao
Các thí sinh nộp hồ sơ theo nguyên tắc: Điểm càng lệch theo chiều hướng tăng so với những năm trước càng xa thì nguyên tắc an toàn càng cao. Học sinh nên lưu ý phải tận dụng tối đa 4 ngành trong một trường để đảm bảo độ an toàn của mình. Các ngành theo thứ tự từ 1-4, học sinh tính toán về độ an toàn sao cho đảm bảo.
“Ví dụ: Ngành thứ nhất có thể mình yêu thích, ngành thứ hai gần sát với điểm chuẩn, ngành thứ ba sát với điểm chuẩn… so với năm ngoái. Học sinh không nên vội vã rút hồ sơ mà lựa chọn kỹ”, ông Nghĩa đưa ra lời khuyên.
Thậm chí, những thí sinh chỉ đạt điểm sàn trở lên là 15-16 điểm, có thể chọn ngành đại học và cao đẳng vào cùng một trường để đảm bảo sự an toàn.
“Với cách đăng ký hồ sơ xét tuyển này, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm đỗ đại học, cao đẳng. Theo tôi, thí sinh năm nay rất khó trượt đại học. Nếu trượt là do cách tính toán của các em sai lầm, hoặc quyết định chỉ học những trường mình yêu thích”, PGS Nghĩa nói.
Hiện tại, một số trường đã công bố danh sách tạm thời trúng tuyển. Đây chỉ là tính toán của các trường để có thể cung cấp danh sách tạm thời trúng tuyển. Danh sách này không có ý nghĩa trúng tuyển chính thức.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định thời gian nộp NV1 trong 20 ngày. Nếu trường nào công bố đủ hồ sơ và không tuyển thêm nữa là sai quy định. Tôi chắc chắn rằng, không có trường nào làm điều này bởi thêm nguyện vọng là thêm người giỏi”, PGS Nghĩa phân tích thêm.
Ngày 5/8, hàng loạt trường ĐH đã công bố dữ liệu hồ sơ xét tuyển trên website của trường. Tuy nhiên, nhiều thí sinh (TS) phản ánh dữ liệu mỗi trường làm một kiểu, vừa khó tìm kiếm vừa khó theo dõi theo kiểu đánh đố, khác với hướng dẫn trước đó của Bộ GD&ĐT. Chiều 5/8, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Các trường làm như vậy là sai quy chế, không giúp được gì cho TS. Trong khi đó, TS cần biết mình ở vị trí nào, bao nhiêu điểm thì đạt để còn rút hồ sơ”. Ông Ga cho biết Bộ đã có văn bản gửi tất cả trường về việc công bố thông tin đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và yêu cầu các trường thực hiện theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015. Theo đó, để TS có đầy đủ thông tin phục vụ cho việc đăng ký xét tuyển, các trường công bố thông tin ba ngày/lần và phải thực hiện đúng quy định về việc công khai danh sách TS đăng ký xét tuyển, xếp thứ tự theo tổng điểm từ trên xuống và ghi rõ chỉ tiêu của từng ngành (nhóm ngành). Bộ khuyến khích các trường cập nhật thông tin hằng ngày. Thông tin này phải được duy trì thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian tổ chức xét tuyển; không để TS hiểu nhầm thuật ngữ “trúng tuyển tạm thời”. Tuyệt đối không được cấp giấy báo nhập học hoặc giấy chứng nhận trúng tuyển, trái với quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015. “Các trường phải điều chỉnh trong những ngày tới để TS tiện theo dõi. Các trường nên học tập cách thống kê điểm của Trường ĐH Cần Thơ, rất chi tiết, cụ thể, dễ hiểu.” - ông Ga nói. |
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]MNMs6qpVzf[/mecloud]