Theo Thông tư 65/2020/TT-BCA, có 3 trường hợp CSGT không phải thực hiện chào, gồm: Biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm; Phạm tội quả tang; Đang có lệnh truy nã.
Từ 5/8, CSGT không phải chào người vi phạm trong trường hợp nào? - Hình minh họa |
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông (CSGT). Theo đó, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/8.
Theo đó, khi tiến hành kiểm soát phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, CSGT phải thực hiện theo đúng yêu cầu tại Thông tư 65/2020/TT-BCA.
Cụ thể, khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, CSGT phải:
- Thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định;
- Thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị...”, sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”…
Đặc biệt, theo Thông tư này, có 3 trường hợp CSGT không phải thực hiện chào, gồm: Biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm; Phạm tội quả tang; Đang có lệnh truy nã.
Sau khi kiểm soát xong, cán bộ CSGT báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý và nói lời: “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,... đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.
Thông tư này cũng có nội dung đáng chú ý là quy định về các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát. Thông tư 65 nêu 4 trường hợp CSGT có quyền dừng phương tiện.
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thứ tư, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Cự Giải(T/h)