Điều 29 Luật hiện hành quy định có 5 trường hợp viên chức bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Tuy nhiên, từ 1/7/2020 khi Luật sửa đổi Luật Viên chức chính thức có hiệu lực bổ sung thêm 1 trường hợp.
Từ ngày 1/7, viên chức bị chấm dứt hợp đồng làm việc trong những trường hợp nào? - Hình minh họa |
Hiện nay, viên chức đang được ký hai loại hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập là hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Theo điều 25 Luật Viên chức năm 2010, hai loại hợp đồng này được quy định cụ thể như sau:
Hợp đồng xác định thời hạn: Có thời hạn từ 12 - 36 tháng, hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng không xác định thời hạn: Trong hợp đồng không quy định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực hợp đồng.
Bên cạnh đó, Điều 29 Luật hiện hành quy định có 5 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức: Có 2 năm liên tiếp bị đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị buộc thôi việc; Bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục (làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn). Bị ốm đau đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục (làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn); Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng buộc đơn vị sự nghiệp công lập phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm của viên chức không còn; Đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thì nay, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm 1 trường hợp nữa là khi viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Khi được tuyển dụng, viên chức sẽ có thời gian tập sự để làm quen với vị trí việc làm được tuyển dụng trong thời gian từ 3 tháng đến 12 tháng. Và nếu sau thời gian này, viên chức không đạt yêu cầu thì đơn vị sự nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Cự Giải(T/h)