+Aa-
    Zalo

    Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa gồm những ai?

    (ĐS&PL) - Lịch sử Trung Hoa truyền tụng có 4 mỹ nhân sở hữu sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” làm khuynh đảo chính trị, khiến nhiều vị hoàng đế mê mệt thậm chí còn thay đổi cả một triều đại lớn mạnh.

    Tây Thi

    Tây Thi, tên là Thi Di Quang, là con một người kiếm củi. Nàng dệt vải ở núi Trữ La, thuộc nước Việt thời Xuân Thu. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, nàng Thi là người ở thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi.

    Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn. Khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy nàng, say mê đến quên bơi, dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, nàng còn có tên gọi khác là "Tây Thi Trầm Ngư". 

    Tên của bà còn gắn với một giai thoại lịch sử, thay đổi cả một triều đại nhờ vào việc sử dụng "mỹ nhân kế".

    Cụ thể, vua Câu Tiễn Việt cuối thời kỳ Xuân Thu, đã từng bị bỏ tù sau thất bại trong một cuộc chiến của vua Phù Sai của nước Ngô. Tuy nhiên, vua Phù Sai lại là người ham mê sắc dục và không thể cưỡng lại phụ nữ xinh đẹp.

    Vì vậy quân sư của Câu Tiễn là Văn Chủng, đề nghị đào tạo phụ nữ đẹp và dâng họ cho Phù Sai như một vật cống nạp. Không lâu sau đó, Phạm Lãi - một danh sĩ của nước Việt đã tìm thấy Tây Thi và tặng cho Phù Sai vào năm 490 trước Công nguyên.

    tu dai my nhan trung quoc gom nhung ai1
    Ảnh minh họa

    Thời điểm này, Phù Sai mê mẩn trước vẻ đẹp của Tây Thi, quên tất cả các công việc quốc gia của mình và theo sự xúi giục, đã giết cố vấn tốt nhất của mình - tướng Ngũ Tử Tư.

    Từ đó, sức mạnh của nước Ngô suy giảm, và vào năm 473 trước Công nguyên, Câu Tiễn đã phát động cuộc tấn công của mình và đưa quân đội Ngô vào thế bị động. Cuối cùng, khi nhận ra tất cả, vua Phù Sai than thở rằng lẽ ra ông nên nghe lời Ngũ Tử Tư, và sau đó tự sát.

    Vương Chiêu Quân

    Vương Chiêu Quân được coi là "á hậu" trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, vẻ đẹp chỉ xếp sau Tây Thi. Nàng là một trong hai đại mỹ nhân của triều Hán. Cùng với nàng Triệu Phi Yến, Chiêu Quân đi vào lịch sử như một người đẹp có nhiều cống hiến cho hòa bình giữa người Hán và người Hung Nô.

    Vương Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, sinh ra trong một gia đình thường dân ở Hồ Bắc. Khoảng năm 40 TCN, đời Hán Nguyên Đế, vì xinh đẹp nức tiếng nên nàng được tuyển vào nội cung. Khi nhập cung đổi tên thành Vương Chiêu Quân.

    Chiêu Quân thông thạo tứ nghệ gồm: cầm, kỳ, thi, họa, đặc biệt nàng có biệt tài gảy đàn tỳ bà, do đó trong tranh Chiêu Quân thường xuất hiện với một vẻ đẹp u buồn, choàng khăn đỏ, mặc áo lông, ôm đàn tỳ bà, cùng với một con bạch mã.

    Tương truyền, vì số phi tần trong hậu cung của Hán Nguyên Đế quá đông nên hoàng đế ra lệnh cho các họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để hoàng đế chọn. Vì từ chối đút lót cho họa sĩ là Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung vẽ Chiêu Quân thật xấu xí nên nàng không được Nguyên Đế để mắt tới.

    Năm 33 TCN, chúa Thiền Vu Hồ Hán Tà thị tộc Hung Nô xin hòa với triều đình nhà Hán. Vương Chiêu Quân tự nguyện xin đi lấy chúa và được phong là Ninh Hồ Yên Hung.

    Nàng đi vào lịch sử Trung Quốc như một mỹ nhân hòa bình với rất nhiều cống hiến cho an ninh quốc gia và quan hệ hòa bình giữa 2 dân tộc. Sắc đẹp của nàng được góp phần mang lại hòa bình trong 60 năm giữa Hung Nô và nhà Hán.

    Điêu Thuyền

    Điêu Thuyền, họ Nhiệm, tên Hồng Xương, sinh ở thời Đông Hán. 15 tuổi vào cung làm nữ tỳ chuyên phục vụ coi sóc trang phục cho các quan trong triều, do vậy sau này đều gọi nàng là Điêu Thuyền (là chức danh thời đó). Nàng được đánh giá xếp thứ 3 trong số 4 mỹ nhân nổi tiếng Trung Quốc.

    Điêu Thuyền là bậc quốc sắc thiên hương, khuynh nước khuynh thành, thông minh hơn người.

    Tương truyền suốt 3 năm sau khi nàng ra đời, tất thảy hoa đào trong thôn nàng ở không nở hoa, vì thấy hổ thẹn trước sắc đẹp của nàng. Có lần đêm khuya, nàng đi dạo thưởng trăng, Hằng Nga thấy mình không sánh nổi, vội vã trốn sau mây, vì vậy Điêu Thuyền còn được gọi là mỹ nhân bế nguyệt.

    Khác với Dương Quý Phi gắn với vẻ đẹp tròn trịa theo tiêu chuẩn thời Đường, Điêu Thuyền lại là mỹ nhân có dáng mạo mỏng manh, thướt tha như liễu rủ, cử chỉ điệu bộ vô cùng trang nhã, thanh tú, mỗi bước chân của nàng nhẹ nhàng như đang lướt trên mây.

    Lúc đó, trong triều đình có thái sư Đổng Trác lộng quyền tàn bạo nên Điêu Thuyền muốn góp sức diệt trừ Đổng Trác. Nàng đã tự nguyện hiến thân giúp Vương Doãn, dùng kế ly gián giữa hắn và con trai nuôi là Lữ Bố. Cuối cùng Điêu Thuyền cũng đã mượn tay Lữ Bố diệt trừ được Đổng Trác.

    Dù được biết đến là nhân vật hư cấu trong bộ tiểu thuyết cổ điển trứ danh Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhưng Điêu Thuyên vẫn được lưu giữ, trân trọng và đúc kết tại trong văn hóa Trung Hoa qua các tác phẩm liên quan đến Đổng Trác hay hí kịch Phụng Nghi Đình.

    tu dai my nhan trung quoc gom nhung ai2
    Ảnh minh họa

    Dương Quý Phi

    Dương Quý Phi, tên thật là Dương Ngọc Hoàn (719- 756), sắc đẹp tuyệt trần, tinh thông ca vũ, được hậu thế tôn vinh là một trong tứ đại mỹ nhân lịch sử Trung Hoa.

    Mồ côi cha mẹ khi mới lọt lòng, cô bé Ngọc Hoàn bị mang tiếng cao số, khắc song thân, may có người chú làm quan ở Hà Nam nhận về nuôi dưỡng, nhờ đó Ngọc Hoàn mới thoát khỏi kiếp nạn làm trẻ mồ côi, bị bơ vơ ghẻ lạnh. Từ Thục Châu đến Hà Nam, không chỉ cho Ngọc Hoàn một mái ấm gia đình, mà đây còn là bước ngoặt thay đổi số mệnh của nàng.

    Khi nhắc đến Dương Ngọc Hoàn, sử sách cũng ghi lại câu chuyện tình duyên giữa nàng và Đường Huyền Tông trong khung cảnh xa hoa, ước lệ nhà Đường đang thịnh thế.

    Dương Quý Phi vốn không quan tâm đến chính trị trong triều đình nhưng vì được tôn sủng nên chị em gái nàng đều được phong làm phu nhân. Đồng thời, anh em họ hàng của nàng là Dương Quốc Trung cũng có thể thao túng việc triều đình lúc bấy giờ. 

    Năm 775 sau Công nguyên, Dương Quốc Trung bị giết do An Lộc Sơn dấy binh làm loạn với danh nghĩa diệt trừ. Sau khi bị giết, Dương Quý Phi cũng bị treo cổ.

    Ngoài ra, theo văn hóa lịch sử Trung Hoa, sắc đẹp của nàng được ví như Tư hoa, khiến hoa phải thu mình lại vì hổ thẹn.

    Cụ thể, một ngày, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải khuây, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, bèn than thở: "Hoa ơi hoa à, ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?".

    Lời chưa dứt nước mắt đã tuôn rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ngờ, nàng sờ phải loại hoa trinh nữ (cây xấu hổ). Lúc này, một cung nữ nhìn thấy, người cung nữ đó đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, mọi người gọi Dương Ngọc Hoàn là "mỹ nhân tu hoa".

    Phương Linh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-dai-my-nhan-trung-hoa-gom-nhung-ai-a567995.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan