+Aa-
    Zalo

    Từ 1/10: Đăng ảnh trẻ phải làm mờ mặt và xin phép cha mẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông tư 09/2017 của Bộ TT&TT có hiệu lực từ ngày 1/10/2017 với mục đích bảo vệ lợi quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

    Thông tư 09/2017 của Bộ TT&TT có hiệu lực từ ngày 1/10/2017 với mục đích bảo vệ lợi quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

    Từ ngày 1/10/2017, thông tư 09/2017 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí chính thức có hiệu lực, thông tin đăng tải trên báo Lao Động.

    Theo đó, phải được sự đồng ý của cha mẹ trẻ, báo chí mới được đăng hình trẻ em. Đây là động thái quyết liệt nhằm bảo vệ và đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và vì những lợi ích tốt nhất của trẻ em.

    Đăng hình trẻ em là nạn nhân: phải làm mờ hoặc che mặt

    Những câu chuyện về việc trẻ em bị bạo hành tinh thần, thể xác, xâm hại thân thể luôn là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, với sự phát triển của internet, trẻ em bị xâm phạm về đời tư, hình ảnh ngày càng nhiều. Nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em, Thông tư 09/2017 có nhiều nội dung đáng chú ý.

    Khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, báo chí phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

    Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành. Đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.

    Thông tư 09 cũng nêu rõ tùy tôn chỉ mục đích, tùy loại hình báo chí mà báo chí phải có thời lượng phát sóng, đăng tin liên quan đến trẻ em theo quy định cho phù hợp.

    Cụ thể, tỉ lệ phát sóng chương trình thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải đạt 2%-5% tổng thời lượng phát sóng của kênh chương trình trong một tuần.

    Đối với báo in, báo điện tử, hằng tuần phải đăng tối thiểu 5% số lượng tin, bài có nội dung dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phù hợp với tôn chỉ, mục đích. Đáng chú ý, nội dung thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải ưu tiên đăng tải ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết đối với trẻ em.

    Cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ

    Báo Pháp luật Việt Nam cũng thông tin, theo quy định tại Thông tư 09/2017, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em. Nội dung cảnh báo phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ nhận biết theo một trong những cách sau: “Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem”, “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem”, “Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem”, “Nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

    Đặc biệt, đối với xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-110-dang-anh-tre-phai-lam-mo-mat-va-xin-phep-cha-me-a203487.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan