Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra số 2269/TB-TTCP về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Tp.HCM, giai đoạn từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021.
Theo TTCP, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ tăng cao, đặc biệt đối với các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh, UBND TP đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm,...kịp thời, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị. Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố để chống dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn thanh tra của TTCP kiểm tra ngẫu nhiên một số gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm,.. phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tp.HCM và phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót.
Kết luận thanh tra nhận định một số thầu mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá bán, cần phải xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật. Đơn vị này cũng đề nghị UBND Tp.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát để xử lý theo theo quy định.
Cụ thể, qua thanh tra, đoàn thanh tra nhận thấy 4 nhà thầu cung cấp trang thiết bị y tế thuộc các gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư có giá trúng thầu cao bất thường so với giá vốn nhập khẩu. Trong đó, Máy X-quang di động DR do Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT trúng thầu với giá cao gấp 4,67 lần so với giá vốn nhập khẩu, với giá trị chênh lệch gần 19 tỷ đồng. Ba thiết bị khác của Công ty TNT, Công ty TNHH vật tư và trang thiết bị y tế Hà Thành, Công ty CP Kỹ thuật và thiết bị y tế Sài Gòn cũng có giá bán chênh lệch từ 5 tỷ đến gần 6 tỷ.
Ngoài ra, tại một số bệnh viện, nhiều gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm và thuốc chữa bệnh COVID-19 có sự mua bán qua nhiều khâu trung gian, có chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu với giá vốn nhập khẩu, hoặc giá bán của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Đơn cử như gói thầu mua thuốc Generic điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà do Bệnh viện Nhi Đồng 1 làm chủ đầu tư cũng được nâng khống giá thuốc. Cụ thể, bệnh viện mua 300.000 viên thuốc Xelostad 10 mg của Công ty CP Gonsa. Thuốc này do Công ty TNHH liên doanh Stellpharm - Chi nhánh 1 sản xuất, được Công ty TNHH GSPHARM mua lại rồi bán cho Công ty CP Gonsa đơn giá 21.000 đồng/viên. Sau đó, Gonsa bán lại cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 với đơn giá 35.000 đồng/viên. Chỉ tính một khâu trung gian mua, bán của nhà thầu Công ty CP Gonsa trong thời gian 5 ngày, số tiền chênh lệch do tăng giá là 14,2 tỷ đồng.
Tại gói thầu Mua sắm kit hóa chất dùng trong xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR do Bệnh viện Nhi đồng 1 làm chủ đầu tư, Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông là nhà thầu trúng thầu, có giá bán cao gấp 2,59 lần so với giá vốn nhập khẩu, tương ứng chênh lệch hơn 6,6 tỷ.
Gói thầu mua sắm 20.000 test chống dịch do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm chủ đầu tư có sản phẩm bị bán giá chênh lệch hơn 4 tỷ đồng và có sản phẩm giá chênh lệch đến hơn 14 tỷ đồng.
Đối với 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ công tác phòng, chống dịch do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) làm chủ đầu tư; phía HCDC đã xác định giá gói thầu trái quy định, có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại 6,3 tỷ đồng.
Tại 2 gói thầu mua sắm trang phục phòng, chống dịch với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng tại Bệnh viện Từ Dũ và gói thầu mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch tại Bệnh viện Nhi đồng TP (hơn 1,8 tỷ đồng), cơ quan thanh tra nhận định, nhà thầu là Công ty TNHH thương mại và xuất khẩu BNC có dấu hiệu thông thầu.
Bạch Hiền (t/h)