Loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến hầu hết các ngành nghề. Đa số các doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn quản trị lao động…
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện được công bố ngày 12/3/2021, nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát đánh giá cho thấy 87,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, chỉ có 11% không ảnh hưởng gì, và gần 2% vẫn kinh doanh tốt.
Trong số 8.633 doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia khảo sát có 87,1% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng tiêu cực, 11% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, 2% doanh nghiệp hoạt động tích cực.
Lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là may mặc (97% doanh nghiệp), thông tin, truyền thông (96% doanh nghiệp), thiết bị điện (94% doanh nghiệp), sản xuất xe có động cơ (93% doanh nghiệp)…
Tương tự, kết quả khảo sát 1.564 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng ghi nhận 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, 11,4% không ảnh hưởng gì, chỉ có 0,8% vẫn kinh doanh tốt.
Do ảnh hưởng của dịch, 35% doanh nghiệp tư nhân trong nước, 22% doanh nghiệp FDI cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết 4 ảnh hưởng lớn của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh là khó tiếp cận khách hàng, thiếu hụt dòng tiền, phải giảm lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, tháng 3/2020, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong năm 2020, có 95 văn bản của cấp trung ương, cấp địa phương ban hành liên quan tới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã.
Thị trường biến đổi liên tục khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược vận hành và kế hoạch sản xuất, loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Thiết bị Công nghiệp Dhtech (Quảng Ninh) chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm đèn led chiếu sáng chia sẻ, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, phía công ty cũng bị ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất. Mức tiêu thụ của thị trường bị giảm mạnh do 1 số nhà máy bị cách ly, hàng hóa sản xuất tồn kho không xuất ra được dẫn đến phát sinh nhiều chi phí lưu kho. Bên cạnh đó, việc hàng hóa tồn kho nhiều và thời gian lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Do đó một số sản phẩm phải kiểm tra lại từ đầu dẫn đến phát sinh thêm chi phí sản xuất và bảo quản sản phẩm.
Cũng theo người này, nguyên vật liệu sản xuất hầu như phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao sẽ dẫn đến đội giá thành sản phẩm. Thời gian nhập hàng cũng lâu hơn và sản lượng còn bị cắt giảm do nhà cung cấp phải phân phối đều cho các nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện nay, nguồn nhân sự công ty cũng bị ảnh hưởng nhiều. Một số nhân viên phải làm việc online tại nhà để tránh tụ tập đông người. Việc tuyển dụng nhân sự mới cũng gặp nhiều khó khăn do những ứng viên cũng ngại tiếp xúc hoặc tụ tập tới nơi đông người.
Để giải quyết những khó khăn trên, Ban lãnh đạo Công ty Dhtech cũng có chủ trương dịch chuyển mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh thời công nghệ 4.0. Áp dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để đảm bảo hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí cho khách hàng.
Một trong những hình thức có thể áp dụng ngay đó là sử dụng kênh bán hàng thứ 3 như Lazada, Shope, Tiki…
Tuy nhiên vấn đề hàng hóa tồn kho nhiều sẽ dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn kinh doanh. Do đó, Công ty Dhtech đề xuất chính phủ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và vượt qua thời kỳ này.
Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cơ khí,... thì các doanh nghiệp sản xuất nông sản cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Anh Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản xã An Hòa (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) là đơn vị liên kết với người dân trong thu mua và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột của địa phương cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ảnh hưởng của dịch khiến giá dưa chuột ở xã giảm mạnh, có thời điểm còn 1.000 đồng/kg mà vẫn còn ứ đọng. Sản lượng bán ra giảm mạnh trong khi người dân đang vào mùa thu hoạch nên thu nhập của người nông dân bị ảnh hưởng rất nhiều.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” đại dịch
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước đại dịch, trao đổi với PV, Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới, gây nên những khó khăn và thách thức không nhỏ cho nền kinh tế thế giới. Trong đó, Việt Nam là quốc gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên các vấn đề kinh tế, xã hội chịu tác động không nhỏ. Đặc biệt ở một số ngành, nghề dịch vụ, du lịch, nhà hàng, sân bay, xuất nhập khẩu,…
Bên cạnh đó, việc này kéo theo các chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp sản xuất cũng bị trì trệ, ảnh hưởng nặng nề. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất -nhập khẩu hàng hóa.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng doanh nghiệp Việt cũng đã có nhiều bước tiến, cải thiện và thích nghi với khó khăn. Đây là sự nỗ lực của cả cộng đồng, doanh nghiệp và Chính phủ.
Theo ông Phong, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” COVID-19, Chính phủ đã và đang có những chính sách kịp thời bằng những chính sách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, từ đó cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.
Chính phủ đã thực hiện song song việc hoàn thiện pháp luật về thuế, kéo dài thời gian hỗ trợ cùng các biện pháp gia hạn thuế cho người dân và doanh nghiệp, kéo dài thời gian thuê đất. Nhà nước cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ tín dụng,... để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, những gói cứu trợ an sinh - xã hội hỗ trợ tiền cho người lao động mất việc bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng phần nào giải quyết được tình trạng thất nghiệp của người dân, ổn định kinh tế thị trường.
Hơn thế nữa, những chính sách này còn có ý nghĩa khích lệ, động viên doanh nghiệp nỗ lực, cố gắng trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh, tiếp tục phát triển khi dịch bệnh lắng xuống và quan trọng hơn, đó là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành của Chính phủ, của Nhà nước, trên cơ sở đó doanh nghiệp càng thêm nỗ lực vượt khó để cùng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Có thể thấy, Chính phủ đã lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp và đặc biệt có những cố gắng trong bối cảnh các nguồn thu đang có xu hướng bị bo hẹp.
Ông Phong cho rằng, những chính sách hiện nay của Chính phủ đã và đang đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh những hạn chế vẫn còn tồn đọng như: Mở rộng chính sách và đối tượng hỗ trợ thuế, giảm bớt điều kiện để tăng tính tiếp cận cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nên đồng hành, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh, nguồn cung ứng đầu vào cũng như tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, cải thiện vấn đề tài chính, những gói vay chậm hay những gói an sinh xã hội, giúp người dân bình ổn kinh tế, giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề chậm lương, tránh thất thoát tài sản công….
Tiểu Phương