Làm việc 12 năm ở FPT trong vai trò quản lý, rồi trở thành CEO của công ty sách Thái Hà, tâm nguyện của TS Nguyễn Mạnh Hùng là khuyến khích mọi người theo con đường tu thiền và đọc sách, sứ mệnh của ông là sẻ chia. Với ông, hạnh phúc được khai sáng trí tuệ lớn hơn nhiều so với việc sở hữu tài sản triệu đô.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với TS Nguyễn Mạnh Hùng diễn ra sau khi ông có buổi dạy thiền tại báo điện tử Trí thức trẻ. Khoác trên mình bộ quần áo nâu đã cũ, vị doanh nhân bắt đầu với những ký ức về tuổi thơ gian khó của mình…
Tài sản lớn nhất không phải là tiền mà là hàng trăm cuốn sách và vài trăm đĩa than ca nhạc
Thời trung học cơ sở, nửa buổi tôi đi học, nửa buổi đi chăn trâu cắt cỏ. Trâu cũng là trâu chung, 4 nhà 1 con trâu, cách 3 ngày mới đến nhà mình phải chăn. Trưa bắt cua, bắt ốc, đêm thường thức để đi câu. Ngày thường chỉ được ăn 2 bữa, nhưng ngay cả bữa tối cũng lúc có lúc không, lúc đói lúc no.
Khi học kỳ 1 lớp 8 (tương đương hệ lớp 10 ngày nay), tôi bị 2 môn dưới trung bình là hóa học và tiếng Pháp. Thời năm 1979, ai là học sinh yếu sẽ bị đuổi học, hoặc bị đúp.
Tôi quyết tâm học. Ngày nhận được kết quả học kỳ 2 lớp 8, tôi đạt học sinh trung bình, không bị đúp, không bị đuổi học nữa. Đó là một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi đến bây giờ, khi đã 52 tuổi.
Điều này nghe ra thì buồn cười, nhưng nhờ việc đạt học sinh trung bình mà tôi không bị đuổi học, nếu không, giờ này tôi đang cuốc đất trồng rau, không thể có được công ty sách Thái Hà.
Nhờ cố gắng, lớp 9 tôi đạt học sinh tiên tiến, lớp 10 đạt học sinh giỏi. Thời ấy khi thi đại học năm 1982, nếu 3 môn đạt trên 14 điểm thì vào đại học trong nước, trên 21 điểm thì được học bổng du học. Chẳng biết có phải do may mắn không, tôi đạt 24,5 điểm, được đi học tại Moscow, Liên Xô.
Nhờ việc học ở nước ngoài, tôi được dạy cách tư duy, phương pháp luận. Khác với ở Việt Nam, các thầy cô giảng kiến thức sẵn có, ở nước ngoài các thầy cô dạy mình cách tự học, tự kiếm kiến thức, tự khám phá tiềm năng.
Ở Liên Xô, tôi tập tành buôn bán, kinh doanh đủ thứ mặt hàng thị trường thời đó cần. Hàng hóa, vàng, cả ngoại tệ nữa. Số tiền tích góp lúc gần 30 tuổi cũng được tầm 1 triệu USD.
Khi tốt nghiệp về nước, đóng hàng vào container chuyển về Việt Nam, tài sản lớn nhất khi đó không phải là tiền mà là hàng trăm cuốn sách và vài trăm đĩa than ca nhạc sưu tập được.
Hạnh phúc không phải nhờ tiền bạc, mà nhờ tu và thiền
Nhân quả. Người tu thấy cây nhờ gốc rễ. Gieo cái gì thì gặt cái đó. Gieo tươi cười thì gặt hạnh phúc, gieo lừa đảo thì gặt thất bại.
Đức Phật dạy chúng ta 2 từ là yêu thương và trí tuệ. Chỉ cần thực hành được cả hai điều này thôi ai ai cũng sẽ hạnh phúc, mọi việc sẽ tuyệt vời.
Với những người đang làm việc, kẻ thông minh là khi chủ trả lương 5 triệu thì làm việc đúng 5 triệu, không hơn và cũng không kém, bởi vì sợ mình thiệt, sợ khổ bản thân mình. 10 năm sau vẫn lương 5 triệu và họ tự khiến mình mãi thiệt.
Với người có trí tuệ, chủ trả lương 5 triệu, họ đồng ý và bỏ ra công sức gấp đôi số lương đó, không sợ mệt, không sợ khổ. Vài năm sau, họ nhận lương 50 triệu và bắt đầu lên giám đốc.
Những người có chí, chủ trả lương 5 triệu, họ đồng ý và làm việc miệt mài không sợ gian khổ, thiệt thòi. 5 năm sau đủ kinh nghiệm và vốn liếng, họ có thể nghỉ việc mở công ty riêng làm chủ, mỗi tháng kiếm 500 triệu dù có thể gặp nguy cơ vỡ nợ, phá sản.
Những người thực tế, khi chủ trả lương 5 triệu, thì làm việc 50% năng lực, để rồi bị trừ lương còn 2,5 triệu. Thời gian dư dả còn lại họ mang tiền này đi chơi, đánh bài 6 lá rồi vỡ nợ.
Còn với những người liều mạng, chủ trả lương 5 triệu, họ không đồng ý, thậm chí còn chửi cả ông chủ, rồi bỏ đi.
Đó là nhân quả, là yêu thương và trí tuệ đấy.
Trước thiền tôi mê tiền, nhưng sau này, tiền không còn quan trọng nữa. Tiền tài vật chất chỉ là công cụ, là phương tiện. Tôi phát hiện ra rằng nếu mình chỉ đi vào con đường làm giàu, kiếm thật nhiều tiền thì chưa chắc đã đúng. Dù bây giờ vẫn là một triệu phú đô la nhưng tiền trong mắt tôi chỉ còn là phương tiện để phục vụ cho mình.
Điều đáng tiếc nhất bây giờ là không hiếm doanh nhân Việt Nam bị nô lệ vào tiền, bị tiền sai khiến. May thay, những người hành thiền, có tu tập thì biến tiền thành phương tiện của mình, để phục vụ cho xã hội và cộng đồng.
Mọi người kiếm tiền, đạt được những vị trí tốt là để thỏa mãn các nhu cầu, mang lại cảm giác hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này không bền vững vì nhu cầu này được thỏa mãn sẽ phát sinh nhu cầu mới. Thiền lại là cảm giác hạnh phúc, cảm giác an lạc dài hơn, bền vững hơn.
Tài sản lớn nhất của tôi bây giờ không phải là nhà, xe, hư danh, hay bằng cấp, ví trí CEO… Tài sản lớn nhất là tình yêu thương, mà khó nhất là yêu thương kẻ thù của mình.
Vị CEO của Thái Hà Books cũng cho hay các bạn trẻ muốn làm giàu cần có ý tưởng kinh doanh, đam mê và sức mạnh cạnh tranh của riêng mình. Trải qua một tuổi thơ nghèo khó nhưng hiện giờ ông đã trở thành một người giàu có và nổi tiếng. Ông đi khắp mọi miền để chia sẻ cách làm giàu cho các bạn trẻ. Khi đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng và cơ hội kiếm bội tiền thì ông lại chuyển sang làm sách với mong muốn đem nhiều hơn tri thức của nhân loại đến cho xã hội. Từ đó người ta biết đến ông như một trong những "Tiến sĩ văn hóa đọc", diễn giả hàng đầu Việt Nam. TS Nguyễn Mạnh Hùng Pháp danh: Thiện Đức Nơi sinh: Thái Bình Ông đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên trước 30 tuổi. Hiện là Ủy viên BCH Trung ương hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam UV BCH TW Hội Xuất bản Việt Nam Đã từng đi và làm việc tại 41 Quốc gia. Hiện là Chủ tịch HĐQT - TGĐ Thái Hà Books |
Theo Trí thức trẻ