Một cuộc khảo sát toàn cầu của tạp chí National Geographic đã xếp hạng Singapore là nước hạnh phúc thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, không phải người Singapore nào cũng đồng ý với nhận định này.
Một báo cáo được công bố vào cuối năm 2017 của tạp chí National Geographic cho thấy công dân của 3 quốc gia là Đan Mạch, Costa Rica và Singapore là những người hạnh phúc nhất thế giới. Lý do là vì họ cảm thấy an toàn, sống có mục tiêu rõ ràng và được hưởng cuộc sống vui vẻ ít bị căng thẳng.
Đan Mạch được coi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. |
Trong bài viết The Blue Zones of Happiness, tác giả Dan Buettner nêu lý do khiến Singapore nằm trong top ba vì đã cung cấp cho công dân "một con đường rõ ràng và an toàn để thành công".
"Người dân Singapore được hưởng lợi từ sự hài lòng của cuộc sống. Công việc khó khăn của họ đã được công nhận và họ tự hào về những gì họ đã đạt được", Buettner tuyên bố.
Tuy nhiên, báo cáo này đã gặp phải sự hoài nghi, và thậm chí khiến một số công dân của quốc đảo Sư tử biển tranh luận về ý nghĩa thực sự của hạnh phúc.
Alvin Chong cho rằng việc coi kinh tế là cơ sở đánh giá hạnh phúc là chưa đủ. - Ảnh: SCMP. |
Alvin Chong, người sáng lập ra thương hiệu thực phẩm chức năng Lembas, cho biết National Geographic mới chỉ dùng thước đo hạnh phúc của công dân theo giá trị kinh tế của họ.
"Theo cách tính đó, Singapore chắc chắn là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất, vì một tỷ lệ lớn dân chúng giàu có, bao gồm 142.000 triệu phú và 28 tỷ phú với dân số 5,5 triệu người", Chong nói. Tuy nhiên, anh này cho biết thêm, hạnh phúc không thể chỉ đo bằng mỗi giá trị vật chất.
"Bài viết cũng đề cập đến chỉ số Gallup, đo 18 tiêu chuẩn quan trọng nhất để con người được hạnh phúc. Do đó nếu chỉ đơn thuần xét về kinh tế thì Singapore không thể là quốc gia hạnh phúc nhất được vì còn có nhiều nước khác giàu có hơn chúng tôi.", Chong chia sẻ.
Tiến sĩ Daniel Goh, phó giáo sư và phó trưởng khoa Xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng, có một khuynh hướng tổng quát về văn hoá trong việc đo lường hạnh phúc phổ biến. Chẳng hạn, đối với một số nền văn hoá, mỉm cười có thể được coi là biểu hiện của sự thân thiện, chứ không phải hạnh phúc.
Nhà xã hội học Daniel Goh cho rằng tuy người Singapore sống khá thoải mái về mặt kinh tế và cảm thấy an toàn nhưng vẻ mặt của họ không cho thấy họ đang hạnh phúc. - Ảnh: SCMP. |
Theo Goh, người Singapore, trái lại, có xu hướng quá nghiêm trang và thiếu cảm xúc, ông cho rằng đó là biểu hiện của sự làm việc quá nghiêm túc. Do đó những lời phàn nàn của họ có thể xem như là cách phóng thích những cảm xúc tiêu cực, khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Hay nói một cách khác ở Singapore, người ta sẽ thấy hạnh phúc nhờ những lời kêu ca, phàn nàn.
Ông nói thêm: "Singapore còn là một quốc gia hạnh phúc với dấu ấn sinh thái khủng khiếp, có nghĩa là chúng ta đang tiêu tốn rất nhiều nguồn lực và thải ra rất nhiều chất ô nhiễm để đạt được hạnh phúc của mình. Điều này không phủ nhận sự thật là chúng tôi cũng rất nỗ lực để duy trì những con người hạnh phúc".
Shaan Rai, một chuyên gia về vật lý trị liệu người Anh đã sống ở Singapore trong bốn năm, khẳng định rằng thành công và hạnh phúc không nhất thiết phải đi đôi với nhau, nhưng người Singapore có mọi lý do để thỏa mãn.
Anh nói: "Hạnh phúc có thể được tìm thấy trong mỗi cá nhân, nhưng theo góc độ vĩ mô thì con người sẽ dễ hạnh phúc hơn khi họ có cơ sở hạ tầng thích hợp và ổn định về mặt kinh tế. Khi ít tốn thời gian lo lắng về bệnh tật, bữa ăn tiếp theo, thì người ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc theo đuổi mục đích cá nhân và xây dựng mối quan hệ xung quanh. Singapore đã xây dựng một nền tảng vững chắc và bây giờ có thể phát triển các mục tiêu khác, như mục đích sống, hạnh phúc thể chất và xã hội".
Mặc dù người dân Singapore cảm thấy an toàn khi sống trong sự giàu có và ổn định xã hội của đất nước mình, nhưng một số người cho rằng các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ hơn để tạo ra nền tảng cho một xã hội hạnh phúc phát triển.
Ông Chong nói: "Người Singapore cần phải nhận thức chung rằng chúng ta không còn là một đứa trẻ sợ hãi, dễ bị tổn thương trong những năm 1960, mà đã trở thành một doanh nhân có năng lực và đáng tin cậy, được đánh giá cao trên khắp châu Á và trên thế giới.
Các trường học và công ty nên nhận ra và chịu trách nhiệm về việc nuôi dưỡng và phát triển giá trị toàn diện của con người. Singapore không chỉ biết tối đa hóa các giá trị kinh tế mà còn đối xử với mọi người như những cá nhân toàn diện, xứng đáng được hưởng nền giáo dục cao và môi trường làm việc khiến người dân cảm thấy họ được chăm sóc nhiều hơn những gì họ mang lại cho doanh nghiệp."
Mặc dù nhận định của National Geographic còn có nhiều tranh cãi nhưng mọi người đều nhất trí rằng Singapore là một quốc gia non trẻ, đa văn hóa. Điều đó có nghĩa là các thông số định nghĩa về hạnh phúc còn có khả năng được hoàn thành.
Tracy Phillips, giám đốc thương hiệu và chuyên gia truyền thông người Singapore. |
Tracy Phillips, giám đốc thương hiệu và chuyên gia truyền thông tin rằng, vì Singapore vẫn là một quốc gia trẻ, do đó hạnh phúc cũng sẽ phát triển khi xã hội trưởng thành và độc lập hơn.
"Tôi tự hào khi coi Singapore là quê hương vì nó thúc đẩy hạnh phúc người dân thông qua bản sắc văn hoá của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cân bằng giữa quyết định tăng tốc tăng trưởng GDP và các yếu tố khác ảnh hưởng đến xã hội dân sự như bảo vệ văn hoá, lịch sử cộng đồng và mở rộng tự do xã hội hơn nữa", cô nói.
Minh Minh(Theo SCMP)