Thấy việc kiếm tiền từ hoạt động bảo kê người chuyển giới bán dâm dễ dàng, nhóm giang hồ đã nhiều lần đụng độ vì tranh giành địa bàn.
Báo Công an TP. Hồ Chí Minh đăng tải thông tin, ngày 6/7, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Lê Văn Dũng (38 tuổi) và Đào Thị Cúc (46 tuổi, vợ Dũng), Phạm Xuân Lộc (35 tuổi, tự Lộc cá), Trương Công Định (25 tuổi), Khoa Kim Tuấn Anh (23 tuổi, cùng ngụ Hải Phòng) cùng 11 bị can khác về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Nhóm giang hồ bị cảnh sát bắt - Ảnh: Công an cung cấp |
Theo báo VnExpress, kết quả điều tra xác định, Dũng cùng người vợ lớn hơn mình 8 tuổi cầm đầu băng giang hồ thu tiền bảo kê người chuyển giới bán dâm ở đường Lý Thường Kiệt (quận 10) từ nhiều năm.
Cứ rạng sáng, chúng đến khu vực này buộc họ nộp 100.000 đến 200.000 đồng để được đón khách. Ai không đưa tiền, vợ chồng Dũng sai đàn em đánh đập, đuổi đi.
Tháng 11/2014 Dũng bị bắt vì chống người thi hành công vụ. Cúc thay chồng điều hành nhóm đàn em. Bà ta cấu kết với Lộc Cá - gã giang hồ gốc Hải Phòng - để tạo thế lực, chia nhau trấn lột tiền người bán dâm. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau Cúc bị hắn hất cẳng, một mình bảo kê địa bàn này.
Băng Lộc Cá buộc mỗi người chuyển giới nộp 200.000 đồng một đêm, nếu không có tiền phải ghi sổ nợ. Mỗi ngày chúng bỏ túi ít nhất 3 triệu đồng.
Thấy việc kiếm tiền dễ dàng, một đàn em của Lộc Cá tách ra làm ăn riêng. Hai bên nhiều lần đụng độ vì tranh giành quyền bảo kê.
Phát hiện hoạt động xã hội đen của chúng, rạng sáng một ngày đầu năm 2016, hàng chục trinh sát hình sự TP HCM phối hợp Công an quận 10 đồng loạt bắt 13 người. Lộc Cá trốn thoát ra Bắc nhưng sau đó bị bắt tại Bắc Giang.
Cơ quan điều tra xác định vợ chồng Cúc thu lợi bất chính 150 triệu đồng, băng Lộc Cá nhận tổng cộng gần 300 triệu đồng bảo kê.
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)