+Aa-
    Zalo

    Truy tìm nguồn gốc đồ ăn siêu rẻ vây trường tiểu học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đồ ăn siêu rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe con người quay lại “vây” trường học.

    (ĐSPL) - Đồ ăn siêu rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe con người quay lại “vây” trường học, đáng ngại hơn, nhãn mác, địa chỉ sản xuất ghi trên bao bì đều là địa chỉ ma.

    Đồ ăn rẻ đốt cháy như giấy

    Chỉ cần dạo qua một vài trường tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội, PV dễ dàng quan sát thấy nhiều loại bánh bột mỳ, kẹo cay, chả tẩm màu… bày bán trên các sạp cóc tràn ngập gần cổng trường. Một người bán hàng cho biết: “Giá chỉ từ vài trăm đồng đến 2-3 nghìn đồng, lại có bao bì bắt mắt, tên gọi hấp dẫn khiến trẻ thích thú, nên rất dễ bán. Như gói này, chỉ 2 nghìn đồng thôi nhưng thơm ngon lắm, em ăn thử xem”.

    Video: Cẩn trọng với thức ăn đường phố dành cho trẻ.

    Cầm trên tay gói bánh sặc sỡ có tên Snack vị bắp bò nướng, ghi rõ thành phần, nơi sản xuất, hạn sử dụng… thoạt nhìn có vẻ như chất lượng rất đảm bảo khiến người dùng an tâm. Nhưng khi bóc thử, PV nhận thấy đây là nhiều lá bánh bột mỳ cán mỏng nhơn nhớt mỡ có mùi hơi khét của dầu mỡ, cháy, vị cay ngọt trộn lẫn, thực sự không ngon miệng. Kinh khủng hơn, khi châm lửa, những tấm bánh mỏng này cháy phừng phừng y như đốt một tờ giấy.

    Những quán cóc luôn đông học sinh.

    Quan sát tại cổng trường tiểu học Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), ngay sau tiếng trống báo giờ giải lao giữa các tiết học, hàng chục đứa trẻ ùa ra quây quanh các sạp hàng bánh kẹo đầy màu sắc. Chúng vội vàng mua, chia cho nhau ăn ngon lành một cách ngây thơ mà không cần biết những loại bánh kẹo này làm từ cái gì, xuất xứ từ đâu.

    Hỏi chuyện một bé trai chừng 8-9 tuổi có thích ăn những loại bánh này hay không, bé nói: “Cháu có thích ăn, nhưng mà bố cấm. Mẹ thì cho ăn nhưng bố thì cấm, lúc nào mẹ cho tiền thì cháu mới mua nhưng mà mẹ dặn không được kể với bố”.

    Vậy là, nhiều bậc phụ huynh cũng hiểu nguy cơ tiềm ẩn của những đồ ăn vặt giá rẻ này. Nhưng vì thương con, chiều con không đúng cách, họ “nhắm mắt làm ngơ”.

    Sản phẩm làm ra không dám ăn

    Lần theo một địa chỉ sản xuất, PV gọi tới số điện thoại di động có ghi ở trên bao bì sản phẩm, gặp được một người phụ nữ. Người phụ nữ này xác nhận, đây là số của cơ sở sản xuất công ty Như Long. Trong cuộc nói chuyện chóng vánh, người phụ nữ này luôn tỏ ra e dè và hỏi han kỹ lưỡng người đang gọi đến là ai, ở đâu.

    Một sản phẩm có ghi xuất xứ từ công ty Như Long.

    Dù xác nhận đúng là số điện thoại của cơ sở sản xuất, nhưng người phụ nữ này luôn nói chỉ đưa hàng qua nhà phân phối. Tuy nhiên, khi PV dò hỏi về địa chỉ cũng như số điện thoại của nhà phân phối thì người này lại nói vòng vo và không tiết lộ. Sau cùng, người phụ nữ cho biết, cơ sở hiện nay đã chuyển khỏi địa chỉ cũ ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) và tạm thời không sản xuất nên không có hàng xuất ra.

    Giá quá rẻ chắc chắn đáng ngại

    Một phụ huynh có con đang học lớp 2, trường tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy) nêu ý kiến: “Chỉ cần nghĩ xem bây giờ một, hai nghìn, thậm chí mấy trăm nghìn đồng thì mình sẽ mua được cái gì? Vậy mà những loại bánh này vẫn được tiêu thụ. Phải làm bằng gì thì mới bán được giá như thế chứ? Nghĩ vậy thôi là mình đã không muốn cho con ăn rồi”.

    Theo địa chỉ ghi trên túi bánh, PV tới thôn Chùa Ngụ (Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) để tìm kiếm cơ sở sản xuất của công ty TNHH thực phẩm Như Long, nhưng không người dân nào biết tên một công ty như vậy trong thôn. Bởi, ngày sản xuất ghi trên túi bánh là ngày 15/4/2015, nên PV tiếp tục tìm kiếm nhưng vẫn không thể tìm ra cơ sở nào như vậy.

    Trò chuyện với một người bán nước mía (đề nghị giấu tên) ở khu vực chợ Giá (Yên Sở, Hoài Đức) PV được biết, hiện nay khu vực này vẫn thỉnh thoảng có mùi nhờ nhợ trong không khí giống như mùi từ gói bánh mà phóng viên mang theo, nhưng không biết mùi bay ra từ đâu. Có một điều lạ là những quán nước, hiệu tạp hóa quanh khu vực hai xã này đều không bán loại sản phẩm này dù giá rẻ hơn rất nhiều.

    Chia sẻ với thắc mắc của PV, chị lắc đầu nói: “Ghê lắm ăn làm sao được mà bán hả em? Chị đã từng làm ở một xưởng sản xuất mấy cái này, mỡ cháy, rồi nguyên liệu, phẩm màu, hương liệu bày ra nhoe nhoét, bốc bằng tay không, đi làm một ngày về là mùi ám vào quần áo giặt không sao sạch nổi. Mình nhìn thấy thế rồi còn bán cho người làng làm sao được”.

    Chị cũng cho biết thêm, cơ sở cũ chị làm đã bị xử lý hồi trước Tết 2015, đến nay có hoạt động lại hay không chị cũng không rõ. Chỉ biết rằng lúc còn làm việc ở đó, chị và đồng nghiệp luôn phải gửi xe cách vài trăm mét rồi mới đi bộ vào xưởng. “Cái xưởng hồi ấy nằm sâu tận cuối đường và kín lắm, người lạ muốn vào cũng khó, thế mà vẫn bị xử lý, đúng là lưới trời đấy, thưa nhưng mà chả lọt được đâu”, chị nhận xét.      

    Lợi nhuận là trên hết

    Một người bán hàng lâu năm trước cổng trường tiểu học Cổ Nhuế tỏ ra bàng quan nói: “Hàng của nhà bà là do một người chở đến, khoảng hai ngày thì cậu lại chở đến một lần. Lấy ít lấy nhiều gì cũng được, tùy ý. Trông bà bán được nhiều hàng như thế nhưng thực ra không được bao nhiêu tiền lãi đâu. Như gói Bắp bò nướng hay là Kẹo cay, giá bán 2.000 đồng thì chỉ lãi 500 đồng một gói thôi”.

    Như vậy, chỉ vì lợi nhuận 20.000-30.000 đồng/ngày, những người bán hàng nhẫn tâm trao cho trẻ loại thức ăn có thể độc hại, đã từng có nhiều đồn đoán rằng gây ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ. Dù nay, những chiếc bánh này được bọc trong bao bì tiếng Việt  mỹ miều hơn.

    Khó kiểm soát địa chỉ ma

    Trao đổi với PV, bà Bùi Minh Tú – Kiểm soát viên đội Quản lý thị trường số 24 – chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, bà chưa từng nghe đến cái tên Như Long trên địa bàn xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội).

    Bà cũng cho biết, trước đó, đội Quản lý thị trường số 24 đã có ý định kiểm tra một cơ sở có nghi ngờ sản xuất những loại thực phẩm đóng gói mà không qua kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, khi lực lượng quản lý tới địa bàn thì nhà xưởng đã trống không, không còn sản xuất. Bà Tú nghi vấn đây có thể là công ty Như Long.         

    Bà Tú cho rằng không khó để kiểm soát chất lượng nếu doanh nghiệp có đăng ký sản phẩm, chất lượng. Tuy nhiên, đối với những cơ sở nhỏ lẻ, làm ăn chộp giật và liên tục thay đổi địa điểm như vậy thì vô cùng gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra.

    “Lực lượng kiểm tra luôn luôn nỗ lực nắm địa bàn, nhưng những cơ sở này thoắt ẩn thoắt hiện, khó khăn ở huyện này thì họ chuyển sang huyện khác, khó khăn ở tỉnh này thì họ chuyển sang tỉnh khác, không dễ để xử lý”, bà Tú nói. Vị kiểm soát viên cũng khuyến cáo, những người mua không nên vì lợi nhỏ mà vô tình đầu độc con trẻ. Còn phụ huynh cũng cần tỉnh táo tránh cho con em mình sử dụng những loại thực phẩm có giá rẻ đến vô lý như vậy.

    CÔNG KHOA

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truy-tim-nguon-goc-do-an-sieu-re-vay-truong-tieu-hoc-a95487.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.