Luật sư Hoàng Kim Thoa cho rằng, luật đã có quy định rõ về việc cấm dạy thêm văn hóa đối với học sinh tiểu học, còn việc học thêm để bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống thì vẫn được phép nhưng phải có đủ điều kiện.
Việc học thêm của học sinh tiểu học vẫn đang là vấn đề nóng và được nhiều bậc phụ huynh cũng như dư luận quan tâm. Đặc biệt, nhiều bậc phụ huynh thắc mắc vậy liệu học sinh tiểu học có phải học thêm ở nhà cô giáo hay không?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC nhận định, về pháp luật điều chỉnh việc dạy và học hiện nay các trường tiểu học, giáo viên vẫn theo các quy định của Luật Giáo dục 2005, Luật giáo dục sửa đổi năm 2009; Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế ban hành; Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm…
Về việc dạy thêm, học thêm, luật sư Hoàng Kim Thoa dẫn quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT- Các trường hợp không được dạy thêm có nêu: “1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; 2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống…”
“Như vậy, chúng ta cần hiểu luật đã có quy định rõ về việc cấm dạy thêm văn hóa đối với học sinh tiểu học, còn việc học thêm để bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống thì vẫn được phép nhưng phải có đủ điều kiện “ - Luật sư Thoa nhấn mạnh.
Luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC |
Luật sư Thoa cho biết thêm, theo các quy định về dạy thêm, học thêm thì hoạt động dạy thêm phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh. Đặc biệt, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, phải cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đặt điểm dạy thêm thực hiện đúng các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường, đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn vệ sinh công cộng…
Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên. Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.
Về việc dạy thêm ngoài nhà trường, cha mẹ học sinh phải trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về việc học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết đó.
Luật sư Thoa cũng cho biết, thực tế, từ năm 2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành chỉ thị tới các địa phương siết chặt quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học. Sau đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, đồng thời khuyến khích việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử….hỗ trợ để giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ học sinh hoàn thành nội dung học tập, tự tin, sáng tạo... nhằm giảm tải cho học sinh tiểu học còn thay đổi về phương thức đánh giá truyền thống bằng cách nhận xét, không cho điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học.
Vấn đề “học sinh tiểu học có cần học thêm ở nhà cô giáo không” thì nhiều ý kiến ủng hộ không cho học thêm tại nhà cô giáo, song nhiều ý kiến phụ huynh vẫn cho rằng chương trình học của học sinh tiểu học vẫn đang khá nặng, vẫn lo lắng con không theo kịp chương trình học nên vẫn có trường hợp tự thỏa thuận nhờ giáo viên dạy kèm thêm cho con, việc này rất khó kiểm soát.
Vậy làm sao để giảm thiểu áp lực cho học sinh tiểu học mà các em vẫn đạt được thành tích học tập? Giáo viên tiểu học cần tùy trình độ học sinh và nhu cầu để giảng dạy sâu hơn, chỉ ra học sinh nào cũng đặc biệt và có tài để học sinh tự tin hơn trên lớp. Giáo viên tiểu học cũng cần phải có bằng cấp chuẩn, phải đi học chuyên môn thì mới có thể dạy tốt bậc tiểu học. Để giáo viên tiểu học có thể yên tâm giảng dạy, họ rất cần được sự quan tâm thiết thực từ các cơ quan chức năng để bảo đảm đời sống.
Đối với các bậc cha mẹ nên dành thời gian học cùng con để con hiểu và nắm rõ tiếng mẹ đẻ, giúp trẻ liên hệ với chính bản thân, phát huy khả năng sáng tạo để giảm tải được việc học thêm.
“Ngoài ra, theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay sách giáo khoa tiểu học còn nặng và khó, một số chương trình của lớp trên được đưa xuống lớp dưới để dạy học khiến học sinh còn gặp khó khăn. Cần có một chương trình gọn, nhẹ, dễ hiểu để học sinh dễ dàng theo kịp, đó mới thực sự giảm được áp lực cho học sinh tiểu học, tránh được việc cần phải dạy học thêm cho các con” - luật sư Thoa nhấn mạnh.