+Aa-
    Zalo

    Trường đại học phải nằm trong top 500 thế giới mới được mở phân hiệu ở Việt Nam

    (ĐS&PL) - Bộ GD&ĐT mới có thông báo về một số điểm mới trong nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định số 86/2018/NĐ-CP .

    Theo Tạp trí Tri thức, bộ GD&ĐT mới có thông báo về một số điểm mới trong nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

    Trong đó, nội dung đáng chú ý là nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung có quy định cụ thể về việc thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, góp phần thu hút có chọn lọc cơ sở giáo dục đại học có chất lượng đầu tư.

    Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục đại học được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới của một trong ba năm gần nhất.

    Muốn được cấp giấy chứng nhận thì phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm theo quy định của luật Giáo dục đại học năm 2012, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 và luật Quy hoạch.

    Dự án thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 250 tỷ đồng.

    Trường đại học phải nằm trong top 500 thế giới mới được mở phân hiệu ở Việt Nam. Ảnh: Báo Thanh niên.

    Trường đại học phải nằm trong top 500 thế giới mới được mở phân hiệu ở Việt Nam. Ảnh: Báo Thanh niên.

    Bên cạnh đó, diện tích đất xây dựng không thấp hơn mức quy định về diện tích đất xây dựng phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, theo báo Thanh niên.

    Chương trình đào tạo phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận hoặc kiểm định chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước sở tại, được giảng dạy trực tiếp ít nhất 5 năm ở nước sở tại tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hoạt động; được cơ sở, tổ chức giáo dục nước ngoài sở hữu chương trình giáo dục chấp thuận cho phép sử dụng tại Việt Nam.

    Bên cạnh đó, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đồng thời phải bảo đảm liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo và tính liên thông khi học sinh chuyển sang học tập tại cơ sở giáo dục công lập theo quy định của Bộ GD&ĐT.

    Ngoài ra, bộ cũng đề cập đến một nội dung là quy định tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và nội dung hoạt động của nhà trường.

    Các cơ sở cũng không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, với tên của các tổ chức phi chính phủ.

    Đặc biệt, tên trường không được gây nhầm lẫn về đẳng cấp, thứ hạng của cơ sở giáo dục và nội dung chương trình giảng dạy; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

    Về đội ngũ, giảng viên phải có trình độ theo quy định của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu nhưng không được thấp hơn chuẩn giảng viên theo quy định của Việt Nam; tỷ lệ sinh viên/giảng viên, số lượng giảng viên theo quy định của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu.

    Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam chỉ được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu.

    Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép hoạt động giáo dục đối với các đơn vị này.

    Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đang thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài cho học sinh Việt Nam không phải làm lại thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục, nhưng phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương về việc thực hiện chương trình giáo dục nước ngoài trong thời gian 06 tháng kể từ ngày Nghị định 124/2024/NĐ-CP có hiệu lực.

    Nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong lĩnh vực này tại địa phương.

    Quy định này góp phần nâng cao vai trò chủ động và tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương trong hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

    Về trách nhiệm công khai cho học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội về cơ sở giáo dục, nghị định sửa đổi, bổ sung yêu cầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, phụ huynh học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục và kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/truong-ai-hoc-phai-nam-trong-top-500-the-gioi-moi-uoc-mo-phan-hieu-o-viet-nam-a474795.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan