(ĐSPL) - Theo các chuyên gia, việc xây dựng các trung tâm hành chính cần phải có tầm nhìn, phù hợp với điều kiện kinh tế và quy hoạch kiến trúc của từng địa phương. Nhiều người lo ngại, trung tâm hành chính càng to, càng đẹp thì cơ hội "xà xẻo chốn cửa quan" lại càng nhiều(?!).
Mải miết chạy theo cuộc đua xây mới trụ sở
Hiện tại, Đồng Nai cũng đang rục rịch lên kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng hơn với tổng diện tích sàn lên tới 122.000m2, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Dự báo, sẽ có nhiều trung tâm hành chính ngàn tỷ đồng khác sẽ còn "đua nhau mọc lên" trên khắp nước ta. Tháng 6 năm nay, trung tâm hành chính Đà Nẵng có tổng chi phí 1.900 tỷ đồng được xây dựng hoành tráng sắp được đưa vào sử dụng. Theo số liệu thống kê, dự kiến có khoảng 1.800 cán bộ công chức đến làm việc hàng ngày tại trung tâm này và khoảng 600 lượt người đến giao dịch mỗi ngày. Không chỉ các tỉnh kinh tế khá giả, tỉnh nghèo như Sóc Trăng hay Lâm Đồng cũng từng dự tính tới việc xây dựng khu trung tâm hành chính nghìn tỷ đồng.
|
Trụ sở đẹp có làm thay đổi được chất lượng phục vụ hành chính? (ảnh minh hoạ). |
Trụ sở to, đẹp không chỉ tạo không gian làm việc mà còn là biểu hiện của văn hóa, là lợi ích chung của toàn xã hội, là thể hiện bản sắc của địa phương. Địa phương nào cũng mong muốn, việc xây dựng một trung tâm hành chính khang trang sẽ đem lại môi trường thuận lợi để giải quyết các công việc của nhân dân và của địa phương tốt hơn. Mong muốn này là chính đáng. Song, theo các chuyên gia, xây dựng trung tâm hành chính hay trụ sở làm việc phải tương xứng với tình hình kinh tế của địa phương và quy hoạch chung.
Dư luận từng than phiền khi thấy thực tế những gì mà bộ máy hành chính đã và đang phục vụ không khỏi khiến người dân phải phiền lòng. Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch theo lối "hành là chính" khiến cho chất lượng phục vụ của những người ngồi ở các trụ sở xa hoa, lộng lẫy chưa tương xứng giữa cơ sở vật chất và công việc. Đó là chưa kể đến việc, trong khi kinh tế chưa dư giả, các công trình thiết yếu như điện đường, trường trạm còn đang thiếu thì nhiều địa phương vẫn mải miết chạy theo cuộc đua nghìn tỷ đồng vì xây dựng trung tâm hành chính.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Do Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị trung tâm của khu vực nên phải có trung tâm hành chính. Mỗi đô thị có chức năng riêng, vì vậy việc đầu tư xây dựng phải căn cứ vào chức năng được xác định trong quy hoạch tổng thể về kinh tế xã hội và quy hoạch về xây dựng. Trong định hướng phát triển tổng thể đô thị Việt Nam đã xác định rõ sáu vùng kinh tế trọng điểm và chức năng của từng đô thị. Rõ ràng, phải xây dựng đô thị gắn với chức năng của đô thị với vùng, cả nước và khu vực, chính vì thế, mỗi khu vực muốn xây dựng công trình gì phải căn cứ vào định hướng tổng thể về phát triển đô thị của Việt Nam. Thứ hai là căn cứ vào quy hoạch chung xây dựng của đô thị ấy. Tỉnh nào cũng ồ ạt xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng là không nên.
Ông Nghiêm dẫn ra con số cụ thể và phân tích: Cả nước có 770 đô thị, trong đó phân loại ra, có những đô thị đặc biệt - đô thị thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị chỉ là trung tâm của các khu vực nhất định. Trung tâm hành chính chỉ dành cho những đô thị có chức năng là trung tâm của vùng và trung tâm của các khu vực. Chẳng hạn, Hà Nội được xác định là trung tâm hành chính chính trị quốc gia, vậy phải có cơ quan của Chính phủ, của Đảng... tiêu biểu cho cả nước. Các đô thị khác, không nên xây dựng quá hoành tráng, tránh tình trạng tất cả ồ ạt mong tìm ra lợi thế nhưng không phù hợp với định hướng.
|
Tòa nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng đang xây dựng (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Xây dựng 20-30 năm lại đập bỏ?
Theo ông Nghiêm, trên thực tế đã có nhiều bài học về xây dựng. Trước đó, đô thị nào cũng xây dựng sân golf. Cuối cùng phải rà soát lại hệ thống và cho dừng lại một số sân. Đô thị bất động sản cũng phát triển tràn lan không phù hợp với cấu trúc dân cư và lao động của từng vùng. Thế nên, việc xây dựng trung tâm hành chính cũng phải cân nhắc để không đi vào vết xe đổ. Trên thực tế, còn rất nhiều các công trình thiết yếu khác cần tập trung vốn. Hạ tầng kỹ thuật nước ta còn thấp kém nên không thu hút được đầu tư; phải xây dựng đúng chức năng, không để xảy ra tình trạng tràn lan, lãng phí. Công trình đó phải tương đương với hạ tầng khác và với vị trí mà cả nước giao cho đô thị đó. Chúng ta phát triển trong cả một quốc gia chứ không phải riêng từng tỉnh.
Liên quan đến vấn đề trên, một vị nguyên đại biểu Quốc hội cho biết: Đã có thời gian, trụ sở và phương tiện làm việc của bộ máy hành chính các địa phương ở trong tình trạng xập xệ. Chính vì thế, cách đây khoảng chục năm đã có cuộc củng cố xây dựng lại cơ sở vật chất cho các chính quyền để tạo điều kiện cho họ quản lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề nảy sinh. Thế nên, khi xây dựng một trung tâm hành chính có chi phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng thì phải xem xét, nhìn nhận thế nào là không hợp lý, thế nào là hợp lý.
Vị này nêu ra một thực tế, có những nơi, trụ sở xây xong, hiệu suất sử dụng và công năng hoàn toàn "có vấn đề". Đó là chưa kể đến tình trạng, nhiều công trình không tồn tại với thời gian. Có những công trình, 20-30 năm sau khi xây dựng đã "đập sạch" để làm lại. Những gì chúng ta dành dụm sau 20-30 năm lại thành đống gạch vụn chỉ vì chúng ta không dám mạnh dạn đầu tư cho ra đầu tư. Chúng ta nghèo vì thế lại càng nghèo hơn. "Hãy xem nước ngoài, họ xây một trụ sở nhưng 200 năm sau vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bộ máy chính quyền. Tiền con cháu tích luỹ lại vẫn phát huy được tác dụng vì họ có tầm nhìn xa. Ở nước ta, họ xây dựng theo kiểu "đắp điếm" theo nhiệm kỳ, mà những gì theo nhiệm kỳ thì không có hiệu quả. Muốn xây dựng công trình tồn tại cùng với thời gian thì phải lâu, phải tiền ra tiền. Đáng lẽ làm 10 cái thì nên làm một cái cho tử tế", ông nhấn mạnh.
Thực tế buồn... Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, có một thực tế đáng buồn là một số địa phương đua nhau làm sao có trụ sở thật là hoành tráng mà không chú ý đến cảm nhận văn hóa, đến điều kiện kinh tế từng vùng. Cần phải rà soát xem có được thực hiện theo đúng quy chuẩn hay không, chứ không thể để ai muốn xây to đẹp, hoành tráng cũng được để rồi đua nhau. Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng, song cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và xử lý vi phạm nếu có. Sau đó, cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh kiến trúc cho hợp lý. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-tam-hanh-chinh-hien-dai-hay-cau-chuyen-cuoc-dua-nghin-ty-a26885.html