+Aa-
    Zalo

    "Trung Quốc vi phạm cả DOC lẫn công ước quốc tế"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyên gia Mỹ nói Trung Quốc vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

    Trung Quốc vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài.

    Gregory Poling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ.

    Đó là nhận định của ông Gregory Poling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. 
    PV:Thưa ông Poling, vừa qua Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan dầu cùng nhiều tàu hộ vệ vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam. Ông nhận định thế nào về động thái bất ngờ này?
    Ông Gregory Poling: Đây rõ ràng là một toan tính chính trị của Trung Quốc. Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) có thể thu được lợi nhuận lớn hơn nhiều từ các hoạt động khai thác dầu khí trên vùng biển phía Bắc. Hành động đưa giàn khoan tới Biển Đông nhằm mục đích khiêu khích, thử phản ứng của Việt Nam cũng như gửi một thông điệp tới Việt Nam và các nước láng giềng Philippines và Malaysia. Cũng khó phủ nhận thực tế là thông điệp này có thể còn nhằm cả vào Mỹ khi nó được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến công du châu Á. 
    PV:Ông nhìn nhận như thế nào về hành động của Trung Quốc dưới góc độ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), các thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký? 
    Ông Gregory Poling: Trung Quốc có thể lập luận rằng nếu họ kiểm soát Hoàng Sa thì nghiễm nhiên vùng biển tại đây cũng thuộc về họ. Tuy nhiên, Hoàng Sa lại là nơi đang tranh chấp chủ quyền và do vậy vùng biển tại đây cũng là khu vực tranh chấp.
    Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định rõ rằng trong trường hợp có tranh chấp thì các bên kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Năm 2002, Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) với ASEAN, trong đó các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Do vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm cả tinh thần lẫn nội dung của 2 thỏa thuận trên.
    PV:Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của Việt Nam trước hành động khiêu khích của Trung Quốc?
    Ông Gregory Poling: Tranh chấp trên Biển Đông có thể nói là vấn đề nguy hiểm nhất tại khu vực này. Với rất nhiều tàu thuyền, nhân sự vũ trang, kết hợp thêm yếu tố dân tộc chủ nghĩa như trong trường hợp hiện nay thì rất dễ mắc sai lầm, dẫn đến cố ý khiêu khích bên kia.
    Việc Trung Quốc đưa hơn 80 tàu vào vùng biển Việt Nam và Việt Nam cũng điều động hơn 20 tàu để ứng phó thực sự khiến tình hình thêm nguy hiểm. Khác với Philippines, lực lượng quân đội Việt Nam có khả năng tạo ra một sự răn đe nhất định đối với Trung Quốc. Một mặt, điều này giúp ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành thêm các hành vi gây hấn nhưng mặt khác nó cũng rất nguy hiểm vì làm gia tăng khả năng nổ súng.
    "Sự cẩn trọng của Việt Nam lần này là một bước đi đúng đắn, góp phần giảm nguy cơ xảy ra bạo lực thực sự".
    Việc Việt Nam chỉ điều động tàu cảnh sát biển và kiểm ngư để đối phó với Trung Quốc là một quyết định sáng suốt. Philippines đã sử dụng tàu hải quân trong tranh chấp tại bãi cạn Scaborough năm 2012, khiến Bắc Kinh có cớ làm rùm beng và đổ lỗi cho Manila quân sự hóa tranh chấp. Sự cẩn trọng của Việt Nam lần này là một bước đi đúng đắn, góp phần giảm nguy cơ xảy ra bạo lực thực sự.
    Rõ ràng là Việt Nam muốn gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng Việt Nam không chấp nhận hành động của người hàng xóm phương Bắc nhưng cũng không muốn xung đột bạo lực với họ.
    PV: Trong những ngày qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn lên án hành động của Trung Quốc, nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục gia tăng khiêu khích thì Mỹ sẽ làm gì để giảm căng thẳng?
    Ông Gregory Poling: Mỹ không quan tâm nhiều tới vấn đề ai có chủ quyền ở đâu nhưng lại rất quan tâm đến việc tuân thủ luật pháp trong giải quyết tranh chấp cũng như xác định rõ đâu là khu vực tranh chấp. Nơi nào có tranh chấp, các bên liên quan đều phải kiềm chế không tiến hành các hành động đơn phương và khiêu khích. 
    Quan điểm của Mỹ đã trở nên cứng rắn hơn trong thời gian qua. Phát biểu của Tổng thống Obama trong chuyến thăm châu Á hay của Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel tại Thượng viện đã cho thấy rõ Mỹ coi hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là mối đe dọa không chỉ đối với khu vực mà còn cả toàn bộ trật tự quốc tế được đại diện bằng Luật biển.
    Mỹ không muốn chiến tranh trong vấn đề Hoàng Sa và sẽ nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất không chỉ giữa ASEAN mà còn cả Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Mô hình này khá thành công khi hầu hết các nước chủ yếu đã công khai lên án hành động của Trung Quốc tại Biển Đông trong vài năm qua.      
    PV:Theo ông thì hành động hiện nay của Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả như thế nào đối với khu vực cũng như đối với chính Trung Quốc? 
    Ông Gregory Poling: Về hậu quả ngắn hạn thì kịch bản xấu nhất là xảy ra bạo lực, gây tổn hại tới quan hệ kinh tế trong khu vực cũng như vị thế của Trung Quốc. Nhưng quan ngại lớn nhất đối với Bắc Kinh chính là hậu quả lâu dài. Với mỗi bước đi như thế này, Trung Quốc đã phá hủy thiện chí mà họ xây dựng tại Đông Nam Á, đẩy các quốc gia láng giềng gần gũi nhất ngày một rời xa, tự tạo nên hình ảnh của một kẻ phá đám trong hệ thống quốc tế, hoàn toàn không thể trở thành một cường quốc đang nổi có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. 
    Các nước sẽ mất lòng tin vào cam kết của Trung Quốc đối với các hiệp định khác, đối với nghĩa vụ trong WTO…Người ta sẽ cho rằng một khi đã quen với cách hành xử kiểu “côn đồ” tại đây thì chẳng cớ gì mà Trung Quốc không hành xử như vậy đối với những tranh chấp tại nơi khác, chẳng hạn như với Ấn Độ trên đất liền hay với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
    Hiện tôi không rõ là Bắc Kinh đã tính tới hậu quả mà những hành động khiêu khích như thế này để lại đối với họ trong 10 hay 20 năm tới hay chưa.
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-vi-pham-ca-doc-lan-cong-uoc-quoc-te-a32380.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan