Trái Đất dường như quá nhỏ bé đối với tham vọng kinh tế của Trung Quốc, vì vậy quốc gia này đang xem xét phát triển thương mại ngoài hành tinh và muốn tạo ra một khu kinh tế trong không gian vào năm 2050.
Trung Quốc muốn lập khu kinh tế 10.000 tỷ USD trên vũ trụ. Ảnh: RT |
Ông Bao Weimin, người đứng đầu Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) tiết lộ khu vực mới sẽ bao gồm các khu vực không gian gần Trái Đất, Mặt Trăng và ở giữa cả hai.
Cơ quan này cũng là nhà thầu chính cho chương trình không gian quốc gia.
Dự án có thể mang lại khoảng 10 000 tỷ USD cho Trung Quốc, tờ Nhật báo Khoa học và Công nghệ liên kết nhà nước đưa tin, trích dẫn lời các chuyên gia trong ngành.
Trong một báo cáo về sự phát triển của không gian Trái đất và Mặt trăng, ông Bao nói rằng lĩnh vực này có tiềm năng kinh tế rất lớn, do đó đất nước nên nghiên cứu các hệ thống vận chuyển hàng không vũ trụ chi phí thấp, đáng tin cậy giữa hành tinh của chúng ta và vệ tinh.
Công nghệ cơ bản dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, trong khi công nghệ vận tải chủ chốt dự kiến sẽ được tạo ra vào năm 2040. Đến giữa thế kỷ, Trung Quốc có thể thiết lập thành công khu kinh tế vũ trụ, quan chức trên cho biết.
Nghiên cứu Mặt Trăng đã trở thành lĩnh vực được chú trọng cực lớn của Trung Quốc. Nước này đã nhanh chóng phát triển lĩnh vực vũ trụ và nghiên cứu Mặt Trăng trong những năm gần đây.
Vào tháng 7, công ty tư nhân i-Space (còn được gọi là Công ty Công nghệ Không gian Vinh quang Bắc Kinh) phóng tên lửa đẩy thực hiện nhiệm vụ quỹ đạo lần đầu tiên thành công trong ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc. Năm 2018, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Chang'e 4 và cũng lần đầu tiên đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng thành công.
Đây là sự kiện lịch sử bởi trước đó, chưa một nhà du hành hay robot tự hành nào đặt chân lên thế giới bí mật này của Mặt Trăng.
Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ phóng tàu Hằng Nga – 5, đem các mẫu vật tư Mặt trăng về Trái Đất. Sau đó sẽ là tàu Hằng Nga – 6, đem mẫu vật từ Cực nam Mặt trăng, tàu Hằng Nga – 7 thám hiểm Cực nam để tìm hiểu cấu tạo của khu vực này. Tàu Hằng Nga – 8 sẽ thử nghiệm các công nghệ then chốt như công nghệ in 3D để xây dựng trạm nghiên cứu.
Mộc Miên(Theo RT)