+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc: Trường học 'cao cấp' chỉ tuyển tiến sĩ dạy tiểu học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một trong những trường học hàng đầu của Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết họ sẽ chỉ thuê những người có bằng tiến sĩ làm giáo viên cho các trường tiểu học và cấp 2.

    Một trong những trường học hàng đầu của Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết họ sẽ chỉ thuê những người có bằng tiến sĩ làm giáo viên cho các trường tiểu học và cấp 2.

    Các trường học uy tín tại các thành phố lớn ở Trung Quốc thường đưa ra yêu cầu bằng cấp rất cao đối người tuyển dụng vào vị trí giáo viên - Ảnh: SCMP.

    Trường Thực Nghiệm Bắc Kinh, một trường liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã đăng thông báo tuyển dụng trên trang web trường vào tuần trước, cho hay tất cả những người tham gia tuyển dụng vào làm giáo viên tại trường này cần có bằng tiến sĩ.

    Được biết ngôi trường chỉ có một cơ sở duy nhất nằm tại quận Chaoyang, trung tâm TP Bắc Kinh, này đang tuyển dụng giáo viên cho các môn học bao gồm: giáo dục thể chất, toán, tiếng Anh, đạo đức và luật pháp cho hệ tiểu học và cấp 2.

    Trường Thực Nghiệm Bắc Kinh liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - Ảnh: SCMP.

    Được thành lập từ năm 2014, trường Thực Nghiệm chuyên dạy học sinh trong độ tuổi từ 6-15. Hiện trường này có 2.275 học sinh đang theo học và 260 giáo viên.

    Các yêu cầu khác đối với người tham gia tuyển dụng bao gồm: thành tích học tập xuất sắc, trình độ giảng dạy cấp cao và tinh thần yêu nước, tuân thủ luật pháp.

    Nhà tuyển dụng cũng nêu rõ rằng các giáo viên nếu được nhận sẽ được tham gia một loạt các khóa đào tạo chuyên gia cấp cao để tăng cường thành tích chuyên môn của bản thân.

    Yêu cầu này không hề xa lạ với các trường học 'xịn' khác tại các thành phố lớn của Trung Quốc, nơi mà người ta luôn đưa ra yêu cầu nhân viên có trình độ cao và cũng sẵn sàng chi trả mức lương hào phóng để thu hút họ.

    Tuy nhiên, điều này cũng đang thúc đẩy sự gia tăng khoảng cách giữa giáo dục thành phố và nông thôn, nơi các trường đang đấu tranh với sự thiếu thốn để đảm bảo đủ số giáo viên và thiết bị dạy học.

    Với những điều kiện tương tự như trường Thực Nghiệm, trang web tuyển dụng Liepin đang tìm giáo viên vào các vị trí giảng dạy tại Trường Quốc tế Thế kỷ 21 Bắc Kinh với mức lương từ 100-140 nghìn NDT/ năm (330-460 triệu đồng).

    Ngược lại, mức lương khởi điểm tại một số trường nông thôn chỉ có 1.000 - 2.000 NDT/tháng (3,3-6,6 triệu đồng).

    Các trường trung học ở Thượng Hải yêu cầu giáo viên của mình phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ - nếu chỉ có bằng cử nhân thì phải tốt nghiệp từ những trường tăm tiếng như Đại học Thanh Hoa hoặc Bắc Kinh.

    Yêu cầu tuyển dụng khắt khe là dấu hiệu cho thấy cuộc đua về chất lượng giảng dạy tốt đang nóng lên trong các trường học có uy tín ở Trung Quốc, nơi được biết đến với các tiêu chuẩn đầu vào vô cùng khốc liệt.

    Buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh - Một trong những trường ĐH danh giá nhất Trung Quốc - Ảnh: Xinhua.

    Giáo sư Wang Dan, chuyên gia nghiên cứu Giáo dục tại Đại học Hồng Kông, tin rằng những yêu cầu cao đối với giáo viên này là kết quả của sự bùng nổ của lực lượng lao động trong lĩnh vực giáo dục ở Trung Quốc.

    GS. Wang cho biết, việc mở rộng giáo dục đại học đã dẫn đến ngày nhiều sinh viên tốt nghiệp cũng như những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ trở nên phổ biến hơn.

    Thị trường lao động không thể tiếp thu hết số người có trình độ cao này nên nhiều người trong số họ sẵn sàng chấp nhận giảng dạy ở các trường tiểu học và trung học cơ sở.

    Điều này đã khiến các trường tiểu học uy tín có thể thu nhận những giáo viên có trình độ tiến sĩ, những người không thể tìm được việc làm ở nơi khác.

    Khoảng cách về giáo dục giữa những trường học ở thành phố và nông thôn ngày càng lớn - Ảnh: SCMP.

    "Các trường học có uy tín này thường tập trung ở các thành phố lớn của Trung Quốc và được hưởng lợi từ việc thu hút nhân tài tốt nhất thông qua vị trí địa lý và danh tiếng của họ", GS. Wang nói thêm.

    Khi chất lượng giảng dạy tiếp tục đạt đến một tầm cao mới tại các trường học ở thành phố thì các trường học ở nông thôn với điều kiện thiếu thốn hơn nhiều chắc chắn cũng sẽ phải vật lộn để bắt kịp trào lưu.

    Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách nhằm giảm khoảng cách giữa giáo dục thành thị và nông thôn. Nhưng theo các chuyên gia, điều này là rất khó vì nó liên quan đến sự bất bình đẳng kinh tế của hai nơi.

    "Tôi không thể nói rằng các yêu cầu của các trường này là không hợp lý, nhưng việc phân bổ nguồn nhân lực đào tạo cao vào giảng dạy học sinh tiểu học chắc chắn dẫn đến ngày càng nhiều các điều kiện bất bình đẳng khác", GS. Wang phát biểu.

    Minh Minh(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-truong-hoc-cao-cap-chi-tuyen-tien-si-day-tieu-hoc-a254508.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan