Vào lúc 21h41 ngày 20/4, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Trung Quốc đã đưa một vệ tinh mới thuộc Hệ thống định vị Bắc Đẩu (BDS) vào không gian.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B mang theo 2 vệ tinh định vị Bắc Đẩu rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 19/11/2018. Ảnh: TTXVN |
Theo Tân Hoa Xã, vào lúc 22h41 ngày 20/4 giờ địa phương (tức 21h41 cùng ngày giờ Hà Nội), tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Trung Quốc đã dùng tên lửa đẩy Trường Chinh-3B để đưa vệ tinh thứ 44 thuộc "gia đình" vệ tinh Hệ thống định vị Bắc Đẩu (BDS) và là vệ tinh BDS-3 đầu tiên hoạt động theo quỹ đạo địa tĩnh của Trái Đất, vào không gian.
Sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm trên quỹ đạo, vệ tinh này sẽ phối hợp với 18 vệ tinh BDS-3 khác theo quỹ đạo tầm trung và một vệ tinh theo quỹ đạo địa tĩnh của Trái Đất.
Vụ phóng vệ tinh này là sứ mệnh thứ 302 của dòng tên lửa Trường Chinh và là sứ mệnh thứ 100 của loại tên lửa Trường Chinh-3B.
Cho tới nay, có tổng cộng tư tên lửa thử nghiệm Bắc Đẩu và 44 tên lửa BDS đã được đưa lên quỹ đạo thông qua 36 sứ mệnh của tên lửa Trường Chinh-3A và Trường Chinh-3B.
Trung Quốc chính thức triển khai dự án phát triển hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu năm 1994 nhằm cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Liên minh châu Âu (EU).
Hệ thống này cung cấp các dịch vụ định vị và điều hướng, phục vụ người dùng trong nước từ năm 2000 và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2012.
Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các vệ tinh BDS-3 năm 2017. Đến nay, 10 vệ tinh Bắc Đẩu 3 đã được phóng lên quỹ đạo.
Minh Minh(T/h)