(ĐSPL) - Trung Quốc đã liên hệ với Mỹ để bàn cách xử lý vụ thu giữ thiết bị lặn trên Biển Đông thông qua kênh quân sự.
Trên trang Trithuctructuyen đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 17/12 cho hay đã liên hệ với Mỹ về việc trả lại một chiếc tàu lặn không người lái (UUV) do tàu hải quân nước này thu giữ ở khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng Washington đã "thổi phồng" vấn đề và điều này không có lợi cho quá trình giải quyết vụ việc.
USNS Bowditch, một tàu khảo sát hải dương học của hải quân Mỹ. |
Theo Reuters, Trung Quốc cùng ngày nói đang làm việc với Mỹ thông qua kênh liên lạc quân sự nhằm "giải quyết một cách thích hợp" vụ thu giữ. Washington đã yêu cầu phía Bắc Kinh trả thiết bị không người lái này.
Trung Quốc thông báo thu giữ tàu lặn của Mỹ vào đêm 16/12 (giờ Hà Nội). Sự việc xảy ra tại vùng nước quốc tế trên Biển Đông và ở khu vực cách vịnh Subic (Philippines) khoảng 50 hải lý về phía tây bắc.
VnEpress cho hay, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về những cuộc thảo luận đang diễn ra giữa hai bên, hay giải thích vì sao Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bất cứ bình luận nào về văn bản của Bộ Ngoại giao.
Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily, trước đó cho biết tàu chiến Trung Quốc đã thu giữ một thiết bị "không xác định" trên Biển Đông để "kiểm tra nhằm ngăn ngừa các vấn đề về hàng hải trong khu vực tranh chấp".
Tuy nhiên, đại tá Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc, khẳng định thiết bị lặn trị giá 155.000 USD này đang hoạt động trong vùng biển quốc tế, cách vịnh Subic 92 km về phía tây bắc.
ĐIỀU 27. Khoản 1, Khoản 2 Quyền tài phán hình sự ở trên một tàu nước ngoài (Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, năm 1982 1. Quốc gia ven biển không được thực hiện quyền tài phán hình sự của mình ở trên một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ các trường hợp sau đây: a) Nếu hậu quả của vụ vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển; b) Nếu vị vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trậttự trong lãnh hải; c) Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương hoặc d) Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay các chất kích thích. 2. Khoản 1 không đụng chạm gì đến quyền của quốc gia ven biển áp dụng mọi luật pháp mà luật trong nước mình qui định nhằm tiến hành các việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm ở trên con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải, sau khi rời khỏi nội thủy. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn:http://thuvienphapluat.vn |