+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc mua cau non chế thuốc cường dương, mua cam non làm thuốc gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc thu mua cau non bán sang Trung Quốc chưa lắng xuống thì gần đây các thương lái lại đến những vùng trồng cam ở ĐBSCL mua cam non để "xuất khẩu".

    (ĐSPL) - Việc thu mua cau non bán sang Trung Quốc chưa lắng xuống thì gần đây các thương lái lại đến những vùng trồng cam ở ĐBSCL mua cam non để "xuất khẩu".

    Hiện tại, nhiều thương lái ở khu vực ĐBSCL tổ chức thu mua cam non sau đó mướn nhân công xắt nhỏ, phơi khô rồi xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Cách thu mua đáng ngờ này lại được nhiều nông dân hưởng ứng vì hái cam tỉa thưa, cam rụng cũng bán có giá 2.000 đồng/kg.

    Thông tin trên báo Dân trí, nông dân Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Hòa Ân (Cầu Kè, Trà Vinh) cho biết: “Vườn cam nhà tôi 4 công do xử lý vụ nghịch nên phải cắt bỏ hết tất cả các quả non. Bình thường những quả non này sẽ bỏ đi nhưng thời gian gần đây thương lái thu gom nên tôi gom lại bán được hơn 100 kg kiếm tiền mua phân bón”.

    Theo ông Thanh, thương lái thu mua nhưng không biết chở đi đâu và với mục đích gì. Có người nói đem làm nhang muỗi, trần bì trong thuốc bắc, xuất sang Trung Quốc…

    Nhiều thương lái ở khu vực ĐBSCL tổ chức thu mua cam non

    Nhờ mua cam non mà ông Nguyễn Văn Tồn, ngụ xã Hòa Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) được thương lái ở địa phương mướn xắt cam non với giá 500 đồng/kg. Ông Tồn cho biết: “Ngày nào không có việc làm tôi đến xắt cam non kiếm cũng được vài chục ngàn đồng. Mùa này nhiều nông dân bán cam non nhưng chủ yếu là cam rụng và cam tỉa thưa để xử lý cho ra trái ở vụ nghịch”.

    Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Gần đây một số nông dân trồng cam trên địa bàn có bán cam non cho các thương lái thu gom, xắt mỏng rồi cung ứng cho các nơi. Tuy nhiên, hầu hết là cam rụng, cam nông dân cắt để nuôi những trái đẹp, lớn hơn… Trước đây nông dân không sử dụng thường cắt rồi bỏ tại gốc còn giờ được tận thu bán cho thương lái”.

    Những quả cam bé xíu cũng được thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg.

    Tại các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long gần đây cũng xuất hiện thương lái thu mua cam non. Ông Võ Châu Nhu, ngụ xã Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Việc thương lái thu mua cam non xuất hiện trên địa bàn gần 1 tháng nay, gia đình tôi trồng 3 công cam sành gần đây tỉa thưa được 2 đợt bán gần 100 kg cho chủ vựa rồi sau đó họ chuyển đi đâu không ai biết”. Theo ông nhu, giá bán cam non hơi thấp nhưng nếu không bán thì cũng để tại gốc vì vụ nào nông dân cũng phải cắt bỏ bớt.

    Dọc theo Quốc lộ 54 thuộc địa bàn xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) có rất nhiều hộ trưng bảng thu mua cam non, cam khô. Tất cả cam nhỏ bằng ngón chân cái đến cổ tay mà nông dân gọi làm cam lở đều được thương lái thu mua với giá 2.000 đồng/kg. Một thương lái thu mua cam non cho biết: “Tôi mua cam non giá 2.000 đồng/kg sau đó đem về mướn nhân công xắt mỏng với giá 500 đồng/kg rồi phơi khô suốt 3 nắng để bán cho thương lái lớn trên TP Hồ Chí Minh với giá 12.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 2 tấn cam non từ các nhà vườn để cung ứng cho các đầu nậu nghe nói họ xuất sang thị trường Trung Quốc”.

    Sau đó thuê nhân công xắt ra phơi khô để "xuất ngoại" sang Trung Quốc.

    Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn cho biết: “Việc thương lái thu mua cam non xuất hiện lâu nay ở địa bàn nhưng chủ yếu là cam rụng và cam nông dân cắt bỏ để xử lý ra trái vụ nghịch nên không ảnh hưởng tới năng suất. Một số thương lái cho rằng phơi khô để làm trần bì trong thuốc bắc”.

    Việc thu mua cam non giúp nông dân tận thu từ những thứ trước đây xem như bỏ đi nhưng người dân nghi ngờ cách thu mua “lạ đời” của thương lái Trung Quốc. Một số nông dân cho rằng, nếu không thận trọng sẽ nhận lấy hậu quả như nhiều loại nông sản khác đã từng “dính bẫy” thương lái Trung Quốc.

    Trước đó, thương lái cũng ồ ạt thu mua cau non để xuất sang Trung Quốc

    Theo đó, từ cuối tháng 4/2015 đến nay, ở các tình Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang… xuất hiện thương lái đến tận vận vườn thu mua cau non với giá cao ngất ngưởng để xuất sang Trung Quốc.

    Hiện tại, giá cau non thương lái thu mua ở thị trấn Phong Điền giao động trong khoảng từ 40.000 – 70.000 đồng/kg. Đỉnh điểm nếu cau có chất lượng tốt thì giá có thể lên tới 80.000 đồng/kg.

    Theo ông Nguyễn Hữu Quang, 72 tuổi, ở thị trấn Phong Điền chia sẻ, việc mua cau non thì nhất định là có vấn đề, bởi cau non có ruột màu trắng, có nước ở giữa trái, rất khó có thể sản xuất ra sản phẩm gì.

    “Việc tận thu ngay từ khi còn non như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của cây cau. Không những thế vì thấy giá cao nhiều người dân đang có ý định phá vườn trái cây trồng cau, điều này mới là nguy hiểm, bởi thực tế, nếu thương lái không đẩy giá lên thì cây cau không hề có giá trịnh kinh tế” - ông Quang nhận xét.

    Hiện tượng mua cau non bất thường này không chỉ diễn ra ở TP. Cần Thơ. Người dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Hậu Giang cũng đang xôn xao bởi hàng ngày cũng có cả chục thương lái đến tận các nhà vườn hỏi mua.

    Không riêng thị trấn Phong Điền, các thương lái còn đi sâu vào các vùng quê ở xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Trường Long, Giai Xuân… để thu mua cau non. Họ mua rất nhiều nơi và mua rất nhiều loại cau, kể cả cau kiểng non.

    Sau đó, vận chuyển nguyên buồng về thị trấn này để lặt ra từng trái, bỏ vào thùng xốp vận chuyển đi. Một số nhà vườn nhỏ lẻ ở thị trấn Phong Điền đã tiến hành chặt phá cây xoài để trồng cau theo lời khuyên của thương lái.

    Thông tin trên báo Đất Việt, theo các chuyên gia đông y cho biết, hạt cau vị chát, tính ôn, có tác dụng diệt trùng, trừ giun sán, tiêu tích, hành thuỷ; vỏ quả cau vị hơi cay, tính ôn, có tác dụng thông tiểu tiện, hành thuỷ, hạ khí. Hoa, quả, thậm chí cả rễ của cây cau đều có nhiều tác dụng chữa bệnh rất tốt, từ ho, dạ dày, khó tiêu, chán ăn, hen suyễn đến cả …cường dương

    Một số nhà vườn gặng hỏi thương lái thì cũng chỉ nhận được lời đáp chung chung là xuất sang thị trường Trung Quốc. Ông Võ Châu Sơn - thương lái đang thu mua cau non tại huyện Phong Điền nói: “Tôi và nhiều thương lái khác mua cau để bán lại cho một chủ khác đem về TP.HCM, rồi vận chuyển bằng máy bay ra Hải Phòng, từ Hải Phòng sẽ được đưa sang Trung Quốc tiêu thụ”.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-mua-cau-non-che-thuoc-cuong-duong-mua-cam-non-lam-thuoc-gi-a94094.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.