Hôm 13/2 Trung Quốc đã lớn tiếng cho rằng nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử tên lửa là do những “xích mích” với Mỹ và Hàn Quốc.
Tờ Infonet thông tin, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo nằm trong danh mục bị cấm vào hôm 12/2.
Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên của Bình Nhưỡng, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và diễn ra đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở Florida. Tên lửa này đã đi được quãng đường khoảng 500 km trước khi rơi xuống vùng biển quốc tế.
Trong buổi họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Geng Shuang khẳng định Bắc Kinh phản đối hành động này, và cho rằng Bình Nhưỡng đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó kêu gọi Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Hình ảnh phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 12/2. - Nguồn: Reuters. |
Trung Quốc là nguồn cung cấp thương mại và tài trợ lớn nhất cho Triều Tiên, đồng thời là đối tượng mà ông Trump chỉ trích vì đã không gâp áp lực được lên Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đáp lại khi cho rằng sức ảnh hưởng đối với Triều Tiên của nước này đã bị làm quá lên và đổ lỗi cho Washington vì từ chối đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng để cho ra một giải pháp hiệu quả.
“Lý do cốt lõi của vấn đề tên lửa hạt nhân Triều Tiên là sự khác biệt của nước này đối với Hoa Kỳ và Hàn Quốc”, ông Geng nói.
Người phát ngôn cũng cho hay, Trung Quốc, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã thực thi một cách đầy đủ và toàn diện nghị quyết của Hội đồng về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông khẳng định Bắc Kinh “đã cố gắng hết sức đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên bằng cách tham gia các hoạt động hòa giải và thúc đẩy các đối thoại hòa bình”.
Ông Geng cũng yêu cầu tất cả các bên kiềm chế những hành động gây hấn và nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an một cách trách nhiệm và xây dựng.
Bắc Kinh cũng bày tỏ quan ngại rằng Mỹ và Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh việc lắp đặt hệ thống phòng vệ tên lửa ở Hàn Quốc nhằm đối phó với một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên. Bắc Kinh phản đối việc làm này bởi hệ thống có thể dùng để theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Thông tin trên tờ Dân Trí cho hay, trong một động thái khác, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại sau khi Nhật Bản nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ về vấn đề quần đảo tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. - Nguồn: Getty. |
Theo đó, hai bên nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện và mở rộng hợp tác quốc phòng dựa trên phương châm hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ năm 2015. Hai nước sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác đối tác và các nước đồng minh khác ở khu vực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự xã hội dựa trên luật pháp quốc tế.
Hai bên xác nhận điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ là phù hợp với vấn đề liên quan tới quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), phản đối những hành động đơn phương làm tổn hại tới hoạt động của Nhật Bản tại khu vực này, thống nhất sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực biển Hoa Đông...
Đặc biệt, hai bên đã yêu cầu các bên liên quan tránh hành động gây căng thẳng bao gồm quân sự hóa ở khu vực Biển Đông, yêu cầu hành xử dựa trên luật pháp quốc tế.
Cũng theo tờ Infonet, về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Geng Shuang cho biết Bắc Kinh “thực sự quan ngại và kiên quyết phản đối” tuyên bố này, đồng thời nói thêm rằng quần đảo trên là một phần lãnh thổ của nước này từ thời cổ đại.
“Dù bất kỳ ai nói gì hay làm gì, cũng không thể thay đổi một sự thật rằng quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc và cũng không thể thay đổi được quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Bắc Kinh”, ông Geng khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết thêm Mỹ và Nhật Bản nên xem xét những gì họ nói và làm, và hãy dừng các bình luận sai lệch để tránh làm phức tạp háo vấn đề, ảnh hưởng tới sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
(Tổng hợp)