Những hành động ngang ngược của Trung Quốc để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông là một trong những nguyên nhân chính buộc Indonesia thay đổi chiến lược quân sự.
Theo Bloomberg, sau nhiều năm tập trung đối phó với các mối đe dọa trong nước, sắp tới Indonesia sẽ triển khai trực thăng chiến đấu tới các quần đảo của nước này ở cực nam trên Biển Đông và tăng cường sức mạnh hải quân.
Ứng viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia (diễn ra vào tháng 7), ông Joko Widodo, tuyên bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng, sẽ chiếm đến 1,5\% GDP - chỉ tiêu cao nhất Đông Nam Á.
|
Lính hải quân Indonesia canh gác tại một bờ biển ở Nusa Dua, Bali. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Singapore nhận định: “Trọng tâm của Indonesia khi chi tiêu quốc phòng là nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Phía Indonesia đã bày tỏ lo ngại rằng Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc, và tự do hàng hải phải được duy trì”. Chính quan điểm này ảnh hưởng đến chi tiêu và mua sắm quốc phòng của Indonesia.
Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin cũng cho biết quân đội nước này đã đi gần nửa chặng đường phát triển lực lượng quân sự để bảo vệ lãnh thổ, theo lộ trình trước năm 2029. Quân đội nước này đã trang bị thêm nhiều xe tăng, tàu ngầm, trực thăng, chiến đấu cơ. Chính phủ cũng đang đặt mua 274 tàu hải quân, 10 phi đội chiến đấu và 12 tàu ngầm mới chạy bằng diesel-điện.
“Chúng tôi là một phần trong sứ mệnh duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Để làm được điều đó thì chúng tôi phải có đủ sức mạnh”, Thứ trưởng Sjamsoeddin khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Sjamsoeddin, Indonesia không tham gia cuộc đua vũ trang nào và chỉ đầu tư chưa tới 1\% GDP cho quốc phòng, so với tỷ lệ 3\% hoặc 4\% như một số nước ASEAN khác. Tuy nhiên, nếu các nước trong khu vực có xe tăng hạng nặng thì Indonesia cũng sẽ có vũ khí đó, ông Sjamsoeddin nhấn mạnh.
Sự thay đổi chiến lược này của Indonesia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông leo thang. Ngay sau khi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines, Trung Quốc tiến ngay tới việc gây hấn với Việt Nam khi triển khai giàn khoan khổng lồ vào đầu tháng 5.
Lâu nay Indonesia cố gắng không bị lôi kéo vào tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, và cũng không phải là bên liên quan chính thức. Tuy nhiên, những tháng gần đây nước này tuyên bố đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra đã lấn chiếm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Ngoại trưởng Indonesia, ông Marty Natalegawa, khi trả lời phỏng vấn hồi tháng 4 cho hay ông đã yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ ràng và đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để có câu trả lời đúng đắn.
Một quan chức an ninh Indonesia, ông Commodore Fahru Zaini, cho biết bản đồ chủ quyền của Trung Quốc đã bao gồm cả vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna thuộc chủ quyền Indonesia ở tỉnh Riau.
Indonesia có khoảng 17.000 hòn đảo cần quản lý, trải dài từ đông sang tây. Eo Malacca mà Indonesia đồng kiểm soát cùng Malaysia là tuyến đường tàu biển quan trọng nối kết với các nền kinh tế như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-hung-hang-buoc-indonesia-tang-cuong-hai-quan-a34945.html