(ĐSPL) - Theo học giả Ezra Vogel của Đại học Havard, Trung Quốc luôn dùng các lễ kỷ niệm để diễn giải lại lịch sử nhằm hỗ trợ cho các chính sách hiện hành.
Năm nay, Trung Quốc có hai đại lễ, 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/11/1949-2014) và 110 năm sinh nhật Đặng Tiểu Bình. Về chuyện này, BBC đăng tải bài viết sau đây của học giả Ezra Vogel của Đại học Havard, tác giả cuốn sách “Đặng Tiểu Bình và quá trình chuyển đổi Trung Quốc”.
|
Ngày sinh nhật ông Đặng đang được dùng để ca ngợi công cuộc cải tổ, đồng thời để gắn hình ảnh của đương kim lãnh đạo Tập Cận Bình với cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. |
Ngày sinh nhật ông Đặng đang được dùng để ca ngợi những nét chính của công cuộc cải tổ, mở cửa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời để gắn hình ảnh của đương kim lãnh đạo Tập Cận Bình với cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Hôm 20/8, tại một buổi lễ tụ tập đông đủ các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc để kỷ niệm ngày sinh ông Đặng, Chủ tịch Tập Cận Bình đọc diễn văn và nói:“Kính chào Tiểu Bình. Tôi nhớ ông quá”. Thực ra, ông Tập chỉ nhắc lại lời của sinh viên Trung Quốc năm 1984, vào thời điểm uy tín của ông Đặng lên đỉnh cao.
Cải cách
Để mừng sinh nhật cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, truyền hình Trung Quốc còn tung ra phim 48 tập về sự nghiệp cải tổ Trung Quốc của ông.
Diễn viên đóng vai Đặng Tiểu Bình nói giọng Tứ Xuyên nhưng theo một số sử gia thì người này lại không đủ độ tự tin để diễn tả tầm vóc lãnh đạo của ông Đặng.
Thế nhưng bộ phim truyền hình đã nhắc giới trẻ Trung Quốc lớn lên sau 1978 về công cuộc cải tổ táo bạo do ông Đặng khởi xướng mà chỉ trong 14 năm đã thay đổi diện mạo đất nước.
Vì tập trung vào giai đoạn 1978-1984, phim đã né tránh các chủ đề nhạy cảm như vụ trấn áp năm 1989, dẫn đến thảm kịch Thiên An Môn.
Tuy thế phim cũng là bước ngoặt cho công chúng nhìn thấy vai trò tích cực của ông Hoa Quốc Phong, nhà lãnh đạo giao thời từ 1976 đến 1978, và là người trên thực tế đã ủng hộ một số thay đổi sau khi Mao Trạch Đông chết.
Phim cũng nói tốt về ông Hồ Diệu Bang, vị tổng bí thư được dân mến mộ và là gương mặt nhân tính của tuyến đầu cải cách từ 1977 đến 1987.
|
Các ông Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình tháng 7/1977 |
Nhưng cách ca ngợi ông Đặng còn phản ánh quan niệm rộng rãi trong giới sử gia Trung Quốc và quan chức cao cấp trong những ngày đầu cải tổ mở cửa rằng nếu không có sự lãnh đạo vững vàng của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc khó mà thành công như ngày nay.
Quả là không ai khác có được cả hai yếu tố kinh nghiệm và tính cách cho phép Đặng nắm quyền chắc chắn từ 1978 đến 1992.
Không chỉ tham gia cách mạng từ đầu thập niên 1920, Đặng Tiểu Bình còn sống 5 năm bên Pháp, một năm ở Liên Xô và là làm tư lệnh quân sự trong suốt 12 năm kháng Nhật và Nội chiến Quốc-Cộng.
Ông Đặng cũng từng làm Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc 10 năm và 2 năm trên thực tế là phụ trách ngoại giao.
Không chỉ là cánh tay phải của Mao và Chu Ân Lai và biết rất rõ chính sách của họ, Đặng Tiểu Bình cũng có khả năng kết nối với các lãnh đạo quốc tế và được công nhận là người luôn có cách giải quyết thực tiễn.
Đặng Tiểu Bình cũng có bản năng chính trị, sự tự tin và quan hệ riêng để giải quyết nhiều vấn đề tế nhị.
“Tìm đá qua sông”
Nhưng sự nghiệp của Đặng Tiểu Bình cũng “ba chìm, bảy nổi” và cuộc thanh trừng thời “Cách mạng Văn hóa” khiến ông Đặng suy nghĩ nhiều về các vấn đề của chính hệ thống ông tham gia dựng lên và về các hướng đi tương lai, dù phải lần mò tìm lối.
Cách nhìn Đặng Tiểu Bình về nhu cầu thay đổi Trung Quốc không có gì là độc đáo. Nhiều quan chức cao cấp từng bị hành hạ thời Cách mạng Văn hóa cũng ủng hộ nhu cầu phải làm sao thay đổi và đổi như thế nào.
Nhưng nhiều trí thức Trung Quốc và cả giới quan sát nước ngoài nay tin rằng Trung Quốc có thể đã mạnh hơn nếu ông Đặng cho phép tăng thêm dân chủ, thêm cơ chế quyền lực minh bạch, thêm yếu tố pháp quyền và thêm tự do cho các nhóm thiểu số.
Cùng lúc, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc lại tin rằng nếu không có sự cứng rắn của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc có thể đã không giữ được sự thống nhất. Nhưng dù người ta mong muốn gì thì không ai có thể quay lại chỉnh sửa lịch sử.
Đặng Tiểu Bình được coi là kiến trúc sư của cải cách, mở cửa nhưng thực ra ông chưa hề có một kế hoạch rõ rệt.
Ông phát triển dần một phương thức cầm quyền hiệu quả khi ông cho Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương phụ trách tuyến đầu và tham gia không ít cuộc họp cao cấp.
Nhưng bản thân ông mỗi ngày vẫn bỏ ra vài tiếng đọc các báo cáo và đề ra ý kiến chỉ đạo.
Đặng đã tạo ra một cơ chế mới, phá vỡ sự kìm kẹp của cấu trúc cứng nhắc, mở cửa thị trường, biến đổi Trung Quốc từ một quốc gia khép kín thành nước tham gia mạnh vào thương mại và chính trị quốc tế.
Tập Cận Bình ngày nay cũng đang vận hành trong khuôn khổ chính sách do Đặng Tiểu Bình định ra. Ông Tập sẽ không thể nào thay đổi cơ bản và điều khiển được các thay đổi như Đặng đã làm.
Nhưng nhập vào vai “ người theo khuôn mẫu của Đặng Tiểu Bình”, ông Tập muốn tỏ ra là nhà lãnh đạo mạnh nhất sau ông Đặng.
Tập Cận Bình ra tay mạnh mẽ bằng chiến dịch chống tham nhũng và nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng ông có tiềm năng để quản trị Trung Quốc qua giai đoạn chuyển đổi khó khăn vì tăng trưởng chững lại, kiểm soát thông tin và những đòi hỏi có chế độ pháp quyền…
Nhưng không ít người Trung Quốc lại than phiền về tình trạng đất nước ngày nay và đổ mọi lỗi cho Đặng Tiểu Bình dù đa số họ sẽ không muốn đánh đổi cuộc sống hôm nay để lấy cuộc sống cha mẹ họ đã phải chịu đựng trước tháng 12/1978.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-dung-le-sinh-nhat-dang-tieu-binh-lam-gi-a47625.html